Nằm lọt thõm giữa lòng phố xá thênh thang ngựa xe dập dìu qua lại là một vùng “quê… nội thành” nghèo rớt mồng tơi. Trên trời mây bạc trắng dưới là đầm ao rau muống, mọc xen kẽ đủ loại bông sen bông súng phô sắc tỏa hương cùng nắng gió. Con đường mỏng như kẻ chỉ uốn lượn quanh co ngoằn ngoèo đến độ chỉ hai chiếc xe gắn máy ngược chiều gặp nhau, tay lái nào yếu sẽ lọt mương là cầm chắc!
Những người dân tứ xứ vì miếng cơm manh áo tha phương cầu thực xiêu dạt đến thành đô, sau một thời gian chiu chắt thắt lưng buộc bụng sang nhượng lại miếng đất đủ dựng túp chòi đỡ nắng che mưa. Những căn nhà (thôi thì cứ “nâng cấp” lên như thế) lần hồi mọc lên, được lắp ghép bằng đủ loại vật liệu phế thải tranh tre, tôn thiếc giấy bìa, ni lông… hệt những bức tranh các họa sĩ thuộc trường phái lập thể, siêu thực đang phóng bút dở dang…
Hồi đó, có vị trung niên tăng sĩ lặn lội đến đây, âm thầm phát quang đắp nền tạo dựng một diệp thất tu hành độ chúng. Dân địa phương quen miệng gọi là “chùa Lá” vì công trình này cũng dựng trên nền đất, mái lợp lá và thưng chung quanh vẫn chỉ là tre nứa mà thôi.
Vị tăng sĩ ấy là thầy Thích Nhuận Tâm, người khai sơn ngôi tam bảo CHÙA LÁ Gò Vấp vào sáng sớm ngày mồng tám tháng tám Ất Hợi (1995)
Ngay từ bước đầu đầy gian nan khổ ải đó, vào những đêm trăng sáng, nhiều anh em văn nghệ sĩ tìm đến đây cùng thầy trụ trì đàm đạo và xướng họa thơ ca.
Thầy nhập thế bằng cái tâm không phân biệt, sống trải lòng với tha nhân, có những buổi thùng gạo trong nhà khói chỉ còn lưng lửng nhưng dân tình chung quanh gặp buổi thất bát, xách nồi qua chùa xin đỡ mấy lon thầy cũng hoan hỷ xẻ chia rồi cùng tăng chúng lót dạ tạm mẩu bánh mì khô khốc
Có lẽ nhờ đó mà dần dà Thầy nhiếp phục, cảm hóa được nhiều bà con lối xóm vốn là những tay giang hồ hảo hớn từng có số má hẳn hoi thất cơ lỡ vận phiêu dạt về đây. Họ xưng là đệ tử của Thầy, và trở nên phật tử thuần thành tự lúc nào không biết…
Mỗi năm mấy lần quê hương bị thiên tai bầm dập, chùa Lá đều tổ chức những chuyến đi cứu trợ và ngoài các tặng vật quyên góp được (gạo, mì, thuốc men, áo quần, tiền bạc…) còn có lực lượng văn nghệ sĩ tân nhạc, nhạc trẻ, cải lương, tấu hài tình nguyện đem lời ca tiếng nhạc đến tận vùng sâu vùng xa phục vụ bà con… Ngoài ra, Đạo Tràng còn ấn hành nhiều giai phẩm, tổ chức các chương trình Hội diễn văn nghệ che dù bạt dựng sân khấu ngoài trời khá quy mô, chuyên nghiệp cúng dường nhân các ngày đại lễ Phật Đản Sinh, Vu Lan, Thành Đạo, Giỗ Đức Quốc Tổ Hùng Vương, mừng Ngày Nhà Giáo VN…
Thuận duyên Tam Bảo và được Long Thần Hộ Pháp gia trì, với lòng thành phát tâm cúng dường của đồng bào Phật tử gần xa, Chùa Lá ngày một khang trang và xóm nghèo xưa kia cũng thay da thắm thịt, ra dáng phố xá thị thành như bây giờ…
Nhà thơ Nguyễn Vân Thiên - tác giả bài thơ ca ngợi Mẹ hiền nổi danh một thời (Cây Đòn Gánh) một lần chiêm bái cảnh chùa đã phải thốt lên:
“Nghe danh chùa Lá đã lâu
Đến thăm mới thấy… chùa lầu nguy nga…”
Thực vậy. Không ít khách thập phương đều ngạc nhiên như thế! Cái tên “Chùa Lá” bây giờ gọi lên vì … quen miệng đề nhắc nhở một thời gian khó đã qua: hồi đó…
Vâng! Hồi đó… xóm nghèo từ sáng sớm tinh mơ người lớn thức dậy túa ra phố phường chợ búa bán mồ hôi đổi lấy miếng cơm manh áo mưu sinh qua ngày, bọn trẻ con lang thang vất vưởng kéo nhau qua chùa chơi. Động mối từ tâm, thầy phát bánh trái bút mực dạy cho chúng vỡ lòng chữ nghĩa rồi dần dần, nhu cầu khởi thêm nhu cầu…
Ban đầu chỉ có 1 vài lớp nhỏ dạy tiếng Anh. Thời gian trôi qua, đến nay Trung Tâm Ngoại Ngữ Miễn Phí THIỆN NHƠN không ngừng lớn mạnh và hiện có tới 80 lớp trên hơn 2000 học viên học 6 thứ tiếng Đức, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Trung; Thời gian học từ 7h30 sáng đến 21h - 22h hàng ngày từ thứ hai - chủ nhật. Học viên ở đây phần lớn là các sinh viên nghèo từ các tỉnh lên thành phố trọ học.
Ðến lớp, sinh viên không chỉ học ngoại ngữ, mà còn được hướng dẫn viết thư pháp, hội họa... Thỉnh thoảng, lại có vài buổi nói chuyện về văn hóa dân tộc, về ý chí vươn lên của con người, về lòng nhân ái.
Nhiều bạn trẻ yêu thích công tác tình nguyện đến từ Anh, Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Malaysia... cùng góp mặt. Qua những buổi lên lớp chia sẻ, giao lưu cùng các bạn sinh viên nước sở tại, các bạn trẻ người nước ngoài đã dạy cho các học sinh và sinh viên đến đăng ký học nơi đây. Và đổi lại, họ được nhà chùa "trả lương" bằng cách đưa đi tham gia cứu trợ người nghèo, đi tham quan một số di tích lịch sử, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Chùa Lá cũng còn được gọi là chùa của giới văn nghệ sĩ tha phương từ khắp mọi miền đất nước. Thầy trụ trì vốn có duyên “chiêu hiền đãi sĩ”. Những bữa cơm rau dưa đạm bạc nhưng ăm ắp chân tình, một góc chiếu nằm kềnh ven hành lang chánh điện đủ dung nạp các văn nhân thi sĩ túi rỗng… “lỡ bước giang hồ”
Các văn nghệ sĩ mãn phần, bất luận vùng miền, đến chùa sinh hoạt ít hay nhiều, sang hèn, nổi danh hay không… nếu có gia đình hoặc thân hữu ngỏ ý đều được nhà chùa thiết lễ “thất thất lai tuàn”, cầu siêu tịnh độ, an linh vị tại chùa ngày đêm hương khói như các nhà thơ Tâm Hiền Thương Thương Ấn, Quảng An Lê Quốc Lư, học giả Đào Mộng Nam, nghệ sĩ Thiêng Tình Sử, nhà thơ Định Ban, Nguyễn Phan Hoài Châu, Hoàng Phụng Cầm, Hàn Cung Thương…
Thầy còn có tâm nguyện sẽ quy tập bài vị chư hương linh văn nghệ sĩ quá vãng vào một nơi thờ phượng trang nghiêm trong chùa và chọn một ngày Hiệp Kỵ tất cả.
Mọi người đều xem Chùa Lá là Một Cõi Đi Về cho mình bây giờ cũng như mai hậu và thầy trụ trì vừa là một vị Thầy, cũng là người bạn văn thân thiết chí tình với giới văn nghệ sĩ tha phương…
Đoàn Văn Khánh