• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Chùa Lá mở lớp dạy ngoại ngữ 'chùa'

  • PDF.
Văn Lang/Người Việt

Khoảng mươi năm trước, chúng tôi từng nghe tới "địa danh" chùa Lá qua lời của mấy vị nữ Phật tử lớn tuổi hay đi lễ chùa. Lúc đó chùa Lá được nhắc tới vì nơi điện thờ Phật có được trang trí bởi một cây bồ đề (tuy không phải là cây thật) nhưng được trang trí khá nghệ thuật, làm hài lòng nhiều Phật tử thích đi viếng cảnh chùa.

Lop_ngoai_ngu_18

Thấy Nhuận Tâm đang chia sẻ với tân học viên

Mấy năm trở lại đây, chùa Lá bỗng nhiên lại trở nên "nổi tiếng" không phải vì việc thờ phụng hay tác phẩm nghệ thuật gì. Nhiều phần là do chùa Lá nay đã trở thành "trung tâm" ngoại ngữ, dạy năm thứ tiếng: Anh, Hoa, Pháp, Đức Nhật hoàn toàn miễn phí cho các sinh viên nghèo. Phần lớn họ đến từ các vùng quê ngoài Bắc, ngoài Trung và miền Tây Nam bộ.

Đến thăm chùa Lá, nằm sâu trong một con hẻm, dưới chân một cây cầu còn có tên là Chợ Cầu, giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp, bên đây đường Quang Trung, thuộc phường 12, quận Gò Vấp.

Ngôi chùa tuy nhỏ, nhưng nhiều năm nay đã được xây dựng lại khá khang trang, tuy phòng học vẫn còn đơn sơ, địa danh "mái lá" chỉ về thời mới lập chùa, khoảng năm 1995. Khi đó thầy Thích Nhuận Tâm vốn là người quê gốc Quảng Nam, theo đạo từ nhỏ, nhiều năm lưu lạc phương Nam, bỗng nhiên muốn dừng chân nơi con rạch nước đen, đắp nền cất một ngôi chùa lợp bằng lá.

Thủa đó vùng đất ven Sài Gòn này còn khá hoang sơ, dân nhập cư, cũng như dân "tứ chiếng, giang hồ" cát cứ khá đông. Thầy Thích Nhuận Tâm cùng chung sống nơi xóm nghèo, vừa giảng đạo, vừa cảm hóa giới anh chị, đồng thời cũng mở những lớp học tình thương cho những trẻ em nơi xóm nghèo không được may mắn tới trường.Qua năm tháng, nhờ sự đóng góp của những mạnh thường quân, cùng các Phật tử và giới thân hữu, ngôi chùa và lớp học tình thương ngày càng được mở rộng và khang trang hơn.

Vốn là người đã tốt nghiệp đại học, khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp ở Sài Gòn (tương tự như cử nhân Văn khoa trước 1975), thầy Thích Nhuận Tâm trăn trở vì cho rằng ngoại ngữ là một chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa của thế giới bên ngoài, trong thời gian mà Việt Nam muốn hội nhập quốc tế. Nhưng đa số các em sinh viên nghèo quê ngoài Bắc, ngoài Trung, miền Tây theo học đại học tại Sài Gòn đều rất yếu kém về ngoại ngữ. Thế là tháng Giêng năm 2010, thầy Thích Nhuận Tâm quyết định mở ra trung tâm ngoại ngữ chùa Lá, miễn phí cho các sinh viên nghèo có nhu cầu theo học.

Để có được trung tâm ngoại ngữ miễn phí, ngoài việc kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp để xây dựng lớp học, thầy Thích Nhuận Tâm còn lặn lội tới các trường đại học ở Sài Gòn, trình bày tâm huyết của mình để thỉnh mời các giảng viên ngoại ngữ tới giúp cho lớp học ở chùa Lá.

Lúc đầu chỉ có một khóa tiếng Anh với 30 sinh viên nghèo theo học, thì nay trung tâm ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá đã có cả ngàn sinh viên theo học các lớp ngoại ngữ: Anh, Hoa, Nhật, Đức, Pháp.

Tiếng lành đồn xa, trường còn cả giảng viên người nước ngoài tới giúp, như là một cô giáo người Malaysia (gốc Hoa), cô có thể giảng được cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa, và thầy Hiroshi Ken là người Nhật đã nhờ người đưa tới chùa xin làm giảng viên tiếng Nhật miễn phí cho chùa.

Tuy là một trung tâm ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên nghèo, nhưng quy chế của chùa khá nghiêm ngặt, như đội ngũ giảng viên của chùa đều phải là giảng viên đại học (hầu hết đều giảng dạy tại các trường đại học của Sài Gòn, một số là cựu giảng viên vì mới nghỉ hưu).

Học viên đi học đều có điểm danh đàng hoàng, sinh viên nào vắng mặt không lý do quá ba lần đều được đề nghị phải thôi học để nhường suất học lại cho bạn sinh viên khác thực sự có nhu cầu hơn.

Yêu cầu của chùa với giảng viên và sinh viên đều khá cao là vì thầy Thích Nhuận Tâm có một mong muốn là khi các em sinh viên tốt nghiệp đại học (ở trường chính khóa mà các em theo học), cũng như tốt nghiệp ngoại ngữ ở trung tâm chùa Lá, không phải là chỉ để giúp cho các em có việc làm, được lên lương.

Thầy còn mơ ước có được những em sinh viên tài giỏi (giỏi ngoại ngữ) để có thể đi ra học hỏi thế giới bên ngoài, đem những điều hay, điều đẹp của các nước về giúp ích cho đất nước, cho dân tộc. Và thầy cũng mong trong số hàng ngàn sinh viên theo học tại chùa Lá (bao gồm cả 63 tỉnh thành trong cả nước), sau này sẽ có những em thành đạt, về tỉnh các em sẽ giúp lập ra những trung tâm ngoại ngữ miễn phí như kiểu của chùa Lá.

Tiếp xúc với một vài vị giảng viên đang theo dạy ở chùa Lá thì họ cho rằng, họ tới đây dạy miễn phí cho các em sinh viên vì thấy có cùng một tâm ý với thầy Thích Nhuận Tâm, và họ cũng cảm thấy niềm vui trong công việc giảng dạy, vì thấy mình ít ra cũng làm được một chút hữu ích cho đời, thay vì cứ mãi chạy theo chuyện tiền bạc.

Các sinh viên nghèo theo học tại trường, xuất thân từ nhiều tỉnh thành khác nhau, theo học tại nhiều trường đại học khác nhau ở Sài Gòn, họ đến chùa Lá đầu tiên là với mong muốn là được trau dồi một ngoại ngữ miễn phí. Nhưng khi theo học tại chùa Lá, họ học được nhiều kỹ năng sống, như sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh, theo chùa đi làm từ thiện.

Không khí chan hòa giữa các học viên cũng như các giảng viên làm các bạn trở nên dạn dĩ, cởi mở hơn, thoát hẳn ra khỏi cái vỏ khép nép, rụt rè cố hữu của những sinh viên xuất thân từ tỉnh lẻ. Từ đó kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của các bạn cũng được nâng lên rõ rệt.

Anh C, một người từ thời sinh viên đã được chùa Lá cưu mang, tốt nghiệp đại học công nghiệp Sài Gòn, đã đi làm được 4 năm, nhưng nay thấy quy mô của trung tâm ngoại ngữ miễn phí ở chùa Lá ngày càng mở rộng, anh tình nguyện về giúp chùa trong việc "quản trị" các lớp học.

Theo anh, tuy chùa dạy miễn phí cho các sinh viên, nhưng chùa vẫn trả lương (mức độ tương đối cho các giảng viên), ngay cả với những giảng viên tình nguyện thì chùa cũng tìm cách cấp "phiếu xăng" để trợ cấp cho việc đi lại của các giảng viên. Theo anh C, để duy trì được các lớp học có chất lượng và lượng sinh viên tới ghi tên học ngày càng đông thì việc xếp lớp, xếp lịch học phải chuyên nghiệp và bài bản chứ không thể "tùy tâm".

Anh khẳng định tuy là lớp học miễn phí nhưng việc học và thi ở trung tâm chùa Lá cũng phải nghiêm ngặt như các trung tâm khác. Và anh cũng cho biết là bản thân cũng đang vừa làm công việc cho chùa, vừa cố gắng học hỏi từ những vị mạnh thường quân tới trợ giúp chùa hầu làm tốt công việc "quản trị" cho trung tâm ngày một tốt hơn.

Kinh phí hoạt động của trung tâm ngoại ngữ chùa Lá do các Phật tử, thân hữu, các mạnh thường quân đóng góp. Ngoài ra thầy Thích Nhuận Tâm còn là người sưu tầm được rất nhiều đá phong thủy quý, đẹp thầy thường đem bán trong các buổi đấu giá từ thiện cùng với tranh thư pháp của mình để lấy tiền thêm kinh phí trả lương cho các giảng viên.

Giữa công việc đạo và đời thầy Thích Nhuận Tâm chủ ý "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến", và khẩu hiệu của quý thầy trò chùa Lá theo đuổi là: "Biển học vô bờ, chuyên cần là bến!".

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=169324&zoneid=2#.VEHaMmd_vJI

You are here Chùa Lá Giới thiệu chùa Lá Chùa Lá mở lớp dạy ngoại ngữ 'chùa'