Nhắc đến ngôi chùa Lá (số 12/2E đường Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM), nhiều sinh viên ở quận Gò Vấp và quận liền kề đều biết đến đây là Trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí, mà thành phần học chủ yếu là các sinh viên, học sinh nghèo trong suốt gần 5 năm qua. Để ngôi chùa trụ lại được, và lập ra Trung tâm Ngoại ngữ và Bồi dưỡng Văn hóa miễn phí, vị tu sĩ được mệnh danh là "Nhà sư của sinh viên nghèo" - Thượng tọa Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá đã phải làm nhiều điều mà ít ai biết tới.
Cảm hóa giang hồ
Vừa bước ra khỏi chánh điện của chùa Lá sau hơn 1 giờ đọc kinh, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm nở một nụ cười đôn hậu, và thầy mời chúng tôi xuống sảnh để tiếp chuyện. Mới 12 tuổi thầy Tâm đã xuất gia, đến năm 1979 thầy rời quê xứ Quảng thi vào trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Thời gian này, để có tiền ăn học, tiền thuê nhà trọ "Cứ chiều đến tôi lại ra vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần chợ Thị Nghè để vá xe. Nhiều người thấy lạ, không tin tôi là nhà sư. Nhưng mặc cho đời, tôi vẫn làm để có tiền ăn học, và tôi còn làm nhiều việc khác nữa, vậy mà vẫn không đủ chi phí ăn học, vì thiếu tiền đóng học phí tôi phải bảo lưu kết quả, đến khi có tiền tôi mới đăng ký học tiếp nên thời gian học của tôi khá dài", thầy Tâm bộc bạch. Sau khi tốt nghiệp, thầy Tâm về quê một thời gian kiếm được hơn 1 lượng vàng rồi quay trở lại TPHCM, với mong ước tìm một mảnh đất để lập ngôi Tam Bảo thờ Phật.
Năm 1994, thầy Tâm tìm đến một khu đất hoang vắng, thường xuyên ngập nước bên bờ kênh Tham Lương, gần chân cầu chợ Cầu, và mua được miếng đất có diện tích 200m2 lập nên ngôi chùa bằng lá nhỏ hẹp. Lúc bấy giờ, đây là vùng đất ngoại thành nơi giáp ranh giữa quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn (nay là quận 12), vì thế, nơi đây được một số tay anh chị, những tay hút chích quy tụ về đây ẩn náu. Con đường dẫn vào chùa lúc bấy giờ là đường đất nhỏ hẹp, chạy ngoằn nghoèo qua những ruộng lúa và rất ít người qua lại. Hàng ngày, một số tay cộm cán, giang hồ mang mã tấu đến khiêu khích, tìm mọi cách gây hấn với thầy nhằm muốn thầy ra khỏi "lãnh địa" này để bọn chúng tiện bề làm ăn. Với kinh nghiệm của một nhà tu sĩ, thầy Tâm hiểu rằng, để thu phục được những con người này phải có tình thương và lòng kiên nhẫn. Nhưng nơi đây, đa số là dân nghèo, dân trí thấp điều đó chưa đủ để thầy Tâm thu phục được họ, mà cần đến lòng dũng cảm và cả sự may mắn. Nói về việc làm cho đám giang hồ ở đây run sợ, thầy Tâm tỏ ra phấn khích và xen chút tự hào: "Khi bọn chúng đến chùa tính "hỏi thăm" tôi, lúc đó tôi đang vác cái thang chống lên nóc chùa để chống dột, bất ngờ chân thang bị lún xuống đất, chiếc thang bật ngã về phía sau, theo một quán tính tôi nhảy ra khỏi thang và chụp lấy chiếc thang kéo ngược trở lại. Quá bất ngờ trước hành động trên, bọn chúng la lên: "Tu sĩ này có võ Thiếu lâm bay ơi, thôi chạy mau". Cũng từ dạo đó bọn chúng cứ nghĩ tôi có võ Thiếu lâm nên dần dần tỏ ra tuân phục và nể sợ tôi. Từ đó, tôi dùng tình thương và lòng kiên nhẫn của mình để cảm hóa họ trở thành những con người hiền lương, từ bỏ ma túy và quay lại con đường làm ăn lương thiện".
Sống vì người nghèo.
Những người dân quanh chùa Lá đa số là dân nghèo, thất học, thầy Tâm thu phục lòng người bằng việc đến với các em nhỏ, dạy các em điều hay lẽ phải, và giúp đỡ gia đình nghèo từ vật chất đến tinh thần nên họ xem thầy như người thân, là ân nhân của gia đình. Với thầy Tâm khi giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không phải khi nào mình có điều kiện mới giúp, mà ngay cả khi mình "chưa đủ ấm" vẫn phải hy sinh để giúp người, đó là nghĩa phụng sự của những người con của Phật. Thầy Tâm nhớ mãi cái tết năm đầu tiên sau khi xây dựng ngôi chùa Lá ở đây, thầy kể: "Ngày 30 tết, lúc đó trong chùa chỉ còn duy nhất 1 kg gạo, nhưng một nhà nghèo đông con ở gần chùa không có gạo ăn đến xin tôi, tôi mang cho hết và may quá mà sáng mùng 1 tết có một phật tử đến chùa thấy vậy, đã cúng dường ít gạo chứ không chẳng còn gì để ăn".
Nhiều người đến chùa Lá vào những năm đầu mới thành lập, không chỉ xót thương, nghẹn lòng vì ngôi chùa còn thiếu thốn đủ thứ, ngôi chùa bằng lá "trống truớc hở sau", mưa đến thì nước dột tứ bề. Trong một lần đến chùa thắp hương, nhà thơ Bảo Trì chứng kiến một cơn mưa nặng hạt đổ xuống, mọi người trong chùa phải thi nhau lấy thau hứng nước, lấy bạt che đống gạo mì đang chuẩn bị đi cứu trợ đồng bào nghèo miền Trung. Nhìn cảnh tượng đó, nhà thơ Bảo Trì phải thốt lên: "Lá dừa chưa đủ che mưa - Mà lòng thầy đã che vừa thương đau.". Chính bằng cái tâm, cái đức của mình, thầy Tâm đã thu phục lòng người, nhiều Mạnh Thường Quân, nhà doanh nghiệp thành đạt đã tìm đến chùa phát tâm, cúng dường ngày càng nhiều. Giờ đây, hàng năm chùa Lá vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến đi từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo, người dân gặp thiên tai ở miền Tây, Tây Nguyên và miền Trung, mỗi chuyến đi chùa Lá mang theo hàng trăm triệu đồng tiền quà đến với đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Người siêu tổ chức sự kiện
Từ lâu, những người trong giới văn nghệ sĩ đã biết đến Thầy Thích Nhuận Tâm là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Bởi lẽ thầy Tâm rất yêu thơ, hay sáng tác thơ, và thích sưu tầm đá cảnh; đặc biệt Thầy rất có "duyên" trong việc tổ chức các chương trình văn nghệ từ thiện. Vì thế nhiều người không tiếc lời khen và để đặt cho thầy một biệt danh nghe rất kêu: "Người siêu tổ chức sự kiện". Thật vậy, từ khi thầy Tâm được bầu làm Phó chủ tịch Hội Đá cảnh Tranh tượng Dân gian Việt Nam, thầy đã tổ chức nhiều cuộc bán đấu giá đá cảnh thành công, thu được lợi nhuận cao để làm từ thiện. Tính đến nay, thầy Tâm không nhớ hết mình đã tổ chức bao nhiêu chương trình từ thiện, cũng như các hoạt động văn hóa nghệ thật mang tính chất tôn giáo. Thầy Tâm cho biết, trong số các chương trình, sự kiện do thầy đứng ra tổ chức, có 2 chương trình để lại cho thầy nhiều cảm xúc và ấm áp nhất. Đó là sự kiện thầy tổ chức bán đấu giá đá cảnh tại Cung văn hóa lao động TP.HCM để ủng hộ cho 80 công nhân nghèo bị bệnh ung thư, và chương trình "Trái tim nhân ái" tổ chức tại Hà Nội, cũng được thầy bán đấu giá đá cảnh cùng với số tiền phật tử của chùa ủng hộ đã thu được 1,9 tỷ đồng để đóng góp cho chương trình. Từ niềm đam mê sưu tầm đá cảnh cộng với "Người siêu tổ chức sự kiện", thầy Tâm đã tổ chức thành công nhiều chương trình bán đấu giá đá cảnh để lấy tiền duy trì, và mở rộng Trung tâm Ngoại ngữ và Bồi dưỡng Văn hóa miễn phí. Thầy Tâm bộc bạch: "Nếu không có được nguồn thu từ những chương trình bán đấu giá đá cảnh tôi không kiếm đâu ra kinh phí mỗi tháng hơn 100 triệu đồng để trả lương cho giáo viên, tiền điện, nước và các khoản chi phí khác của Trung tâm, nói gì đến việc mở rộng lớp học ở trung tâm". Dẫn chúng tôi ra phía bên hông chùa Lá, đưa tay chỉ về phía công trình xây dựng lớp học đang còn dở dang, thầy tâm chia sẻ: "Hiện nay, chùa chỉ có 2 phòng học nhưng số lượng học viên dự học rất đông nên các em phải chia ra học nhiều ca trong ngày, thậm chí phải học đến tận khuya đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập. Do đó, mới đây tôi đã mua thêm lô đất hết 500 triệu đồng, mới xây đến phần thô 700 triệu đồng thì đã cạn hết tiền, giờ không biết làm sao, chỉ cầu mong những nhà hảo tâm có tấm lòng hỗ trợ cùng tôi".
Chia tay thầy, chúng tôi chỉ thầm mong khi bài báo này đến với bạn đọc, sẽ có thêm những Mạnh Thường Quân đến giúp sức với thầy, để thầy Tâm hoàn thành những phòng học mới và sinh viên, học sinh của thầy không còn phải học quá khuya, âu cũng là mong muốn của mọi người đối với việc làm đầy ý nghĩa cao đẹp của một người tu sĩ có tâm hồn nghệ sĩ.
- 25/08/2014 08:53 - Phóng sự: Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí
- 22/01/2014 04:05 - Nơi dạy ngoại ngữ miễn phí giữa lòng thành phố
- 05/12/2013 22:43 - Cho kiến thức, mở trái tim ở chùa Lá
- 18/07/2013 06:47 - Chùa Lá mở lớp dạy ngoại ngữ 'chùa'
- 04/06/2013 09:20 - Phóng sự "Nhà sư với sự nghiệp giáo dục"
- 17/03/2013 13:52 - Học ngoại ngữ trong chùa
- 05/01/2013 00:06 - Đột nhập lớp học ngoại ngữ miễn phí tại chùa
- 04/01/2013 16:55 - Học ngoại ngữ miễn phí ở chùa
- 04/01/2013 00:54 - Những câu chuyện về lớp học ngoại ngữ nơi cửa Phật
- 03/01/2013 09:01 - Có một Trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí nơi cửa ch…