Thư pháp hiện đại Nhật Bản

Thu_phap_25Khái niệm Thư pháp hiện đại Nhật Bản xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, từ cuộc Triển lãm thư pháp đầu tiên do Hãng báo Mainichi và Hội Thư pháp Mainichi tổ chức vào năm 1948. Thư pháp Nhật Bản có một lịch sử hình thành lâu đời và khá độc đáo.

Thu_phap_Nhat_1

Thư pháp viết bởi Gishi rinshakuhai thời Heian

Theo ông Saito Akira, Giám đốc báo Mainichi, Chủ tịch hội Thư pháp Mainichi, chữ Hán được truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản vào khoảng 2.000 năm trước. Đến thế kỉ V, VI, chữ Hán được sử dụng phổ biến ở Nhật và không lâu sau đó dựa trên cơ sở chữ Hán, kiểu chữ Hiragana và Katakana độc đáo của Nhật Bản đã ra đời. Thư pháp Nhật Bản được hình thành từ hai kiểu chữ chính là chữ Hán - kiểu chữ biểu ý (tượng hình) và chữ Hiragana - kiểu chữ biểu âm (tượng thanh) và đã được phát triển như là một môn nghệ thuật.

Thu_phap_Nhat_2

Thư pháp viết bởi Takahashi Deishu (1835 - 1903) 高橋泥舟, Katsu Kaishu (1867 - 1899)
勝海舟 và Yamaoka Tesshu (1836 - 1888) 山岡鉄舟, thời Meiji

Cũng như thư pháp của các nước á Đông (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Hàn Quốc), thư pháp Nhật Bản là "nghệ thuật biểu hiện chữ mang tính mĩ học" thông qua mực tàu và bút lông. Trong các tác phẩm thư pháp, tính nhân văn được biểu hiện một cách thuần tuý, nguyên vẹn và cách sống, cách suy nghĩ của tác giả cũng được phản ánh trong đó. Thư pháp đòi hỏi người viết cũng như người xem một lối sống nhân bản. Theo Akahira Taisho (một trong những đại diện xuất sắc của Thư pháp hiện đại Nhật Bản), đối với thư pháp, yếu tố chính để nó trở thành một loại hình nghệ thuật là do cấu trúc chữ. Từ việc dùng chữ làm chất liệu, thư pháp đã "tạo hình hoá", gây ấn tượng cho người xem. Thư pháp cũng được coi là nghệ thuật của đường nét. Từ những đường nét khác nhau như đậm - nhạt, lớn - mảnh, mạnh - yếu, nặng - nhẹ, thong thả - cấp tốc, thư pháp vừa hiển hiện, lộ phát, vừa ẩn giấu tâm trạng và những rung động trong tâm hồn con người. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, thư pháp còn là nghệ thuật của tâm linh.

Thu_phap_Nhat_3

Thư pháp thời Nara

Một trong những đặc điểm của thư pháp là tính nhất hồi. Khi viết chữ, câu từ, bài thơ, người ta viết theo một trình tự trôi chảy từ đầu đến cuối, và chỉ viết một lần. Do đó, thư pháp đòi hỏi người viết năng lực tập trung và sự căng thẳng thần kinh cao độ. Người Nhật cho rằng thư pháp "thể hiện nhân cách của người viết" và là "trường phái vẽ tâm hồn". Tác phẩm thư pháp là "dấu vết" của chính đời sống tác giả. Vì vậy, khi ta tiếp xúc với tác phẩm là ta đã tiếp xúc với chính tâm linh của người viết.

Thu_phap_Nhat_4

Thư pháp viết bởi Honda Tadamune (1691 - 1757) 本多忠統

Có nhiều cách đọc, xem thư pháp. Bằng trực giác, bằng cách phân tích tác phẩm, hoặc nắm bắt những yếu tố cơ bản hình thành nên thư pháp đều là những cách xem. Trước tiên hãy tìm hiểu những cái đẹp của hình thái, của đường nét, cảm nhận những rung động về sức mạnh của ngòi bút và của những khoảng trống. Sự cân bằng giữa màu đen và màu trắng, sự điều hoà giữa chữ và những khoảng không gian, khoảng cách nét trong một chữ, mức độ nặng nhẹ của chữ. Sau đó hãy nhìn các đường nét từ lớn đến mảnh, phương hướng của chúng, cách chấm mực, động thái của ngòi bút v.v... Việc nắm bắt tâm trạng của tác giả thể hiện qua tác phẩm của họ là điều cần thiết.

Thu_phap_Nhat_5

Thư pháp viết bởi Yamamoto Hokuzan thời kỳ Edo

Ở Nhật Bản, cùng với sự phát triển của xã hội, gần đây, chất liệu và kĩ thuật của thư pháp được mở rộng, nội dung và hình thức cũng trở nên phong phú, việc triển khai nghệ thuật thư pháp mới đang được thử nghiệm. Trong điều kiện thư pháp hiện đại như vậy, việc tiến hành tìm tòi tính nghệ thuật, tính hiện đại của thư pháp và nâng caovăn hoá thư pháp, giới thiệu cái đẹp của thư pháp không chỉ ở trong nước mà còn đưa ra thế giới chính là công lao của Hội Thư pháp Mainichi (năm nay, 2005 là năm kỉ niệm 57 năm ngày thành lập Hội). Hội này đã phân chia từ Thư pháp truyền thống đến Thư pháp hiện đại theo 7 bộ môn như sau:

1. Bộ môn thư pháp chữ Hán

Được tạo nên nhờ dựa vào thơ, văn xuôi cổ điển viết bằng chữ Hán, dựa vào cảm nhận nghệ thuật và phương pháp học thư pháp của từng người thông qua các tác phẩm từ nhiều chữ đến ít chữ, và các thể loại thư pháp như Ten (Triện thư), Rei (Lệ thư), Kai (Khảo thư), Gyo (Hành thư), So (Thảo thư), tìm kiếm thể loại thư pháp vốn có. Bộ môn thư pháp chữ Hán thể hiện tính hiện đại hoà quyện trong tính truyền thống.

2. Bộ môn thư pháp chữ Kana

Được tạo ra để viết những từ ngữ đẹp của Nhật Bản thông qua việc cải biên, phát triển những bài hát Waka và thơ Haiku. Từ chí hướng khác nhau của các tác giả về những bài ca cổ mà thư pháp Kana có sự biểu hiện phong phú khác nhau. Vẻ đẹp của chữ Kana hiện đại hoà trộn với cảm giác mới của Kana chữ lớn (Lưu ý: nguồn gốc của chữ Kana là chữ nhỏ).

3. Bộ môn thư pháp thơ văn cận đại (Cận đại thi văn thư)

Là những tác phẩm lấy văn và thơ hiện đại làm đề tài, điều hoà giữa chữ Hán và chữ Kana tạo ra một thư pháp mới. Đây là bộ môn đã được triển khai, mở rộng ở các kì triển lãm Thư pháp Mainichi. Do tính chất dễ đọc và rất gần gũi nên nó nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

4. Bộ môn thư pháp viết chữ lớn (Đại tự thư)

Là những tác phẩm thư pháp viết chữ lớn mà số lượng chỉ từ 1 đến 2 chữ. Việc định hướng tạo hình, tôi luyện đường nét và sáng tạo về màu đen đã tạo ra một thế giới thư pháp mới.

5. Bộ môn thư pháp chữ in bằng khuôn khắc đá - Tenkoku (Triện khắc)

Bộ môn này được cho là tinh hoa của phương Đông và giới thư pháp. Chữ in bằng khuôn hình vuông 3 phân. Người ta khắc trên đá những bản thư pháp và chữ viết thời cổ đại của Trung Quốc sau đó in trên giấy trắng, tạo nên sự tương phản rất đẹp giữa mực (đỏ) và giấy. Tekuko là cảm giác tạo hình mới dựa trên nền tảng truyền thống được hoà quyện trong một không gian nhỏ.

6. Bộ môn thư pháp chữ khắc (Khắc tự)

Dùng nguyên liệu là gỗ khắc chữ thật đẹp lên đó. Chữ viết ở đây khác với chữ viết bằng bút. Nó mang tính lập thể, được tô bằng nhiều màu sắc và có mối quan hệ sâu sắc với các môn nghệ thuật khác như mĩ thuật công nghiệp, điêu khắc. Khắc tự là một bộ môn thư pháp đang gây được sự chú ý.

7. Bộ môn thư pháp ZenEi (Tiền vệ thư)

Bộ môn này biến đổi nhận thức trước kia về thư pháp (coi thư pháp là biểu hiện của nhân cách con người). Thư pháp Tiền vệ thư chịu ảnh hưởng của 2 trường phái: hội họa trừu trượng phương Tây và triết học phương Đông. Không bị giới hạn bởi việc lấy chữ làm nguyên liệu chính, người viết có thể tự do thể hiện tâm hồn và tình cảm thông qua các tác phẩm nghệ thuật mang tính trừu tượng.

Thu_phap_Nhat_6

Thư pháp viết bởi Kukai thời Heian

Ở Nhật, việc xác lập thư pháp coi như là một bộ môn nghệ thuật hiện đại cũng đang được tiến hành theo tinh thần cách tân. Sức sống của thư pháp trong đời sống hiện đại Nhật Bản biểu hiện ở lịch triển lãm định kì vào đầu tháng 7 hằng năm tại Tokyo cùng 9 thành phố khác ở Nhật cũng như tại gần 20 quốc gia trên thế giới. Ngoài ngày mồng 2 tháng một hằng năm là ngày hội viết chữ của cả nước, thư pháp còn được trọng dụng vào những dịp hiếu, hỉ, mừng tân gia hay mừng nhập môn, nhập trường... Hiện nay, thư pháp đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ cập cho học sinh phổ thông.

Thu_phap_Nhat_7

Thư pháp viết bởi Ishizaki Keisui

Cách đây hai năm, năm 2003 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật đã được hai bên phối hợp tổ chức thực hiện trong năm này nhằm kỉ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và cũng là Năm giao lưu Nhật Bản - ASEAN (theo đề xướng của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi). Triển lãm Thư pháp do đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Thư pháp Mainichi Shodokai phối hợp cùng phía Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Mĩ thuật Hà Nội vào khoảng cuối năm 2003 là một trong những hoạt động đó. Có tất cả 122 tác phẩm đã tham dự triển lãm, bao gồm toàn bộ các lĩnh vực của thư pháp Nhật Bản, từ thư pháp truyền thống đến thư pháp hiện đại.

Đây là những tác phẩm mới nhất của các tác giả ở trình độ cao nhất đại diện cho thư pháp hiện đại Nhật Bản. Chúng là bức phác họa về một nước Nhật phát triển hài hoà giữa văn hoá và văn minh, giữa truyền thống và hiện đại. Triển lãm không chỉ giúp người dân Việt Nam có điều kiện tìm hiểu nghệ thuật thư pháp Nhật Bản, mà còn tạo điều kiện để các nhà thư pháp Việt Nam trao đổi giao lưu với các đồng nghiệp Nhật Bản, góp phần tăng cường và củng cố mối giao lưu văn hoá giữa nhân dân hai nước.
Trương Minh Hằng
Viện Nghiên cứu Văn hóa

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: