Bài thơ: Trồng rừng ở DakNong

PHẢN HỒI VỀ BÀI THƠ " TRỒNG RỪNG Ở DAKNONG"
CỦA BÍCH NHÃN HỒ

Tình cờ tôi đọc bài thơ "Trồng rừng ở DakNong" của Bích Nhãn Hồ trên facebook "GADAVIP", trang song ngữ Việt-Pháp do ông và các bạn lập ra. (Không liên quan gì đến gà đá), đó là tên gọi tắt của "Nhóm bạn những người yêu tiếng Việt và tiếng Pháp (Groupe Amical Des Amoureux de la VIeto-francoPhonie)

TRỒNG RỪNG Ở ĐAKNONG

Am tranh ngất ngưởng chỗ ta ngồi
Suối biếc tấu hoài khúc nhạc vui
Nước chảy mây vờn: tranh thủy mặc
Sương dâng khói quyện: cảnh nhàn thời
Trăng xuống gieo vầng thơ mới lạ
Sao về nhấp nháy ý không lời
Trời xanh hào phóng ban mầm sống
Đất đỏ thủy chung nuôi nhánh chồi
Cây trái hân hoan mùa giáp hạt
Lá hoa phô sắc tuổi đôi mươi
Chim chóc nô đùa mừng hạt chắc
Hươu nai thư thả gặm chồi tươi
Trà suông mấy độ không cần vị
Rượu nhạt dăm chung chẳng bận mồi
Bao năm hưởng lộc thiên nhiên tặng
Nên đã xa trò nhân thế chơi
Vốn dĩ ở rừng quen thú tính:
Đói ăn khát uống đủ rồi thôi.

Bích Nhãn Hồ
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Bích Nhãn Hồ tự dịch sang tiếng pháp:

PLANTATION FORESTIÈRE À DAKNONG

Devant la chaumière, lieu où je m'asseyais plein de suffisance
Le ruisseau transparent dégageait de joyeuses chansons éternelles
Eau s' écoulant, nuages courant: c'étaient le tableau de lavis
Rosée montant, fumée planant: c'étaient le temps de loisir
Lune claire inspire des poèmes exotiques
Étoiles scintillent avec des idées sans parole
Ciel bleu généreusement procure des forces vitales
Terre rouge fidèle nourrit de premières pousses
Arbres et fruits étaient heureux à leurs tours de moisson
Feuilles et fleurs présentaient leurs couleurs de jeune âge
Oiseaux s'amusaient en accueillant des grains compacts
Cerfs et biches broutaient à des coups lents de jeunes bourgeons
Thé maigre se sirotait à des reprises sans besoin de saveur
Alcool insipide se buvait à quelques verres sans nécessité d'aliments
Durant des années j'acceptais les dons de la nature
Donc je m' éloignais des jeux de la vie humaine.
Vivant longtemps dans la forêt dense je m'accoutumais au caractère animal:
Manger quand avoir faim, boire quand avoir soif et cesser quand avoir suffisant.

(Traduit en francais par l'auteur lui- même)

Đó là 1 bài thơ Luật Đường phá thể gồm 18 câu 7 chữ, 14 cặp đối tương đối đúng niêm luật. Toàn bộ bài thơ vẽ lên bức tranh mô tả cảnh thiên nhiên và tâm trạng của người ẩn sĩ, phóng khoáng, biết đủ là đủ, biết nhàn là nhàn ( tri túc tiện túc, tri nhàn tiện nhàn). Riêng câu 17( vốn dĩ ở rừng quen thú tính) làm tôi cực sốc. Theo nghĩa thông dụng, thú tính là tánh cách của con thú, đối lập với nhân tính là tánh cách của con người. Báo đài thường đưa tin: " Tên yêu râu xanh sau khi thỏa mãn thú tính bèn giết chết nạn nhân, cướp tiền vàng, điện thoại di động và xe máy của nạn nhân". Thú tính quả là khủng khiếp, ác độc, dã man,tàn bạo và không có nhân tính. Chẳng lẽ ông thành con thú sao? Ông hành động như một con thú sao?. Tôi biết ông khá lâu, độ vài chục năm, đọc thơ, văn ông rãi rác đăng ở báo Giác Ngộ, Pháp Luân,các trang mạng Newvietart của Từ Vũ bên Pháp, Đại Phật ngày nay của Thầy Thích Nhật Từ, Hoa Vô Ưu văn hóa Phật giáo của quí thầy ở Mỹ, và các facebook của bạn bè, tạp chí Quán văn của Nguyên Minh và Đoàn Văn Khánh, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Cửu Long ở Vĩnh Long, tuyển tập Suối nguồn của thầy Minh Cảnh và Nguyên Hiền,đặc san Diệp Quang và Thơ ơi cùng chảy nhé của Chùa Lá- Gò Vấp, những tập thơ in chung " Bóng hạc trời thơ" của Đoàn Văn Khánh; "Tiếp tục cuộc chơi" của Trần Huệ Hiền và Triều Nguyên,v...v..., và nghe ông nói chuyện về Văn Học Nghệ Thuật trên đài phát thanh truyền hình Vĩnh Long.

Thơ và văn của ông từ trung bình cộng trở lên, đậm tính nhân văn và triết lý.

Tôi quyết định phải đích thân gặp Bích Nhãn Hồ mới được. Tôi chuẩn bị mấy cục đá để chọi nếu quả thật ông đã trở thành con thú.

Tôi gặp ông trong đám giỗ nhạc sĩ Đông Hải ở Chùa Lá Gò Vấp (23.12.2017 Dương lịch) do thầy Nhuận Tâm, vợ nhạc sĩ Đông Hải và ông chủ trì. Đông đảo văn nghệ sĩ đến hộ niệm: nhà thơ Đoàn Văn Khánh, nhà văn Nguyễn Châu, sáo trúc Đoàn Hoàng, Guitar Công Nghiệp, nhà thơ Ngã Du Tử,Đông Nguyên, Đắc Tánh, nhạc sỹ Đắc Phúc, Thế Luật, Trần Huệ Hiền, nhà báo Đào Nguyên Thông, nhà báo Kim Hoa và lão huynh Thiện Trung...

Sau thời kinh cầu siêu và cúng linh, tôi gặp Bích Nhãn Hồ ở hành lang chánh điện. Đó là một ông già gần 70 tuổi, hom hem, đẹp lão, phong thái phóng khoáng, gương mặt hóm hỉnh và hài hước, pha một chút tinh nghịch...

Tôi ném liền ba cục đá: "Tại sao ông lánh xa người đời, ông thành con thú rồi hả? Ông có hành xử như con thú không?".

Ông nói, mắt cười cười: "Cám ơn bạn, xin bạn đọc thêm câu nữa". Tôi đọc tiếp: "Đói ăn, khát uống đủ rồi thôi".

- Đó là câu trả lời: Thật ra thơ là một vườn hoa, muốn cảm nhận được mùi hương và màu sắc trang nhã thì cần xem kĩ. Chứ cưỡi ngựa xem hoa thì chỉ thấy một đống hỗn độn màu sắc, lại càng không nên chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ; Tội nghiệp thơ quá( chữ của Đoàn Văn Khánh). Đọc thơ mà chỉ hiểu nghĩa đen thì chỉ cảm nhận được phần nào. Cần thấy cái mà từ ngữ đó gợi ra.Ví dụ: nhà văn Thế Phong, sau khi vô Nam, ông lo sợ gia đình bị trù dập, ông viết 2 câu : "Mẹ tôi có lẽ..... thôi đừng!/ Cha tôi giờ đã không chừng..... trời ơi". Hai câu thơ không nói bằng từ ngữ nào cả mà cái gợi ra thực là khủng khiếp.

Nhân thế có điều hay và cũng có điều dở; điều dở mới gọi là trò nhân thế, xa trò trò nhân thế là xa cái dở của người đời, chứ không phải xa lánh toàn bộ người đời. Người cha có thể nói với con rằng "Mày làm cái trò gì thế?". Con thì không thể hỏi: "Cha làm cái trò gì thế?"được. Trò nhân thế là: "Bần cư náo thi vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm"(Cổ văn), hoặc như: "Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi"(Nguyễn Bỉnh Khiêm), hay như: "Hễ không điều lợi, khôn thành dại, đã có đồng tiền dở cũng hay" (Nguyễn Công Trứ).

Tính cách của con thú là hồn nhiên, không xảo quyệt, không lọc lừa lật lọng, đói thì ăn, khát thì uống, no thì thôi. Con thú không uống bia ôm, không chơi gái, không có bồ nhí nên không thụt két,biễn thủ công quĩ, không tham nhũng, gian lận thương mại, không cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn, giựt hụi, trộm, cướp,v...v...

Thú ăn cỏ cả đời chẳng hại ai. Thú ăn thịt nhự cọp, báo, beo ... cả đời giết được bao nhiêu? (Núi rừng Việt Nam không có sư tử, chỉ có trong "Khu rừng Xà Niêng" của Vũ Hạnh thôi).

Con người là động vật cao cấp, nhờ có bộ não phát triển nên nghĩ ra được Tôn giáo, chính trị, triết học, y học, khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật, kinh tế,... làm cho đời sống con người ngày càng tốt đẹp hơn, nhân bản hơn. Nhưng cũng có vài tập đoàn người nhờ bộ não phát triển, nghĩ ra những trò độc ác hơn con thú. Thời thái cổ, con người chỉ hái lượm là chính nên sống chân chất, yêu thương và đoàn kết. Từ khi nhà nước ra đời với hình thức sơ khai là Bộ lạc, có thủ lĩnh, có quân đội, thì con người bắt đầu đánh giết nhau tranh giành lãnh địa, bắt tù binh về làm nô lệ (riêng các vua Hùng đã lập ra một đất nước 2000 năm không có nội chiến). Thời Xuân thu Chiến quốc giết bao nhiêu người? Tần Thủy Hoàng giết bao nhiêu người?, Hán Sở Tranh Hùng giết bao nhiêu người? Tàu đô hộ ta ngàn năm giết bao nhiêu người Việt? Pháp xâm lăng và cai trị Việt Nam trăm năm giết bao nhiêu người Việt? Chiến tranh giữa các Tôn giáo châu Âu và Trung đông giết bao nhiêu người? Năm đợt Croisades giết bao nhiêu người? Người châu Âu xâm lược châu Phi và châu Mĩ giết bao nhiêu người da đen và da đỏ? Chiến tranh thế giới I và II giết bao nhiêu người?. Nhân danh tôn giáo, Đức quốc xã trong sáu năm (1939-1945) đã giết sáu triệu người Do Thái.Có lẽ số người bị người giết từ xưa đến nay cao hơn số người hiện đang sống trên địa cầu. Ấy thế mà con người không đủ dũng cảm nhận những cái dở, cái ác của mình để sửa đổi; lại đổ thừa cho con thú, thật tội nghiệp cho chúng. Tục ngữ có câu: "Trâu buộc ghét trâu ăn" hay "Trâu nhanh uống nước trong, trâu chậm uống nước đục" nên có thơ rằng:

XIN LỖI TRÂU

Trâu buộc đâu ghét trâu ăn
Được thua, cay cú họa chăng chỉ..... người
Ví von khập khiểng sai lời
Người xin lỗi nhé, trâu ơi đừng buồn.

(Thơ Bích Nhãn Hồ)

LỜI TRÂU

Suốt đời cày thân trên ruộng,
Lúa người, rơm rạ ta ăn
Giận kẻ mua ta vẽ bóng
Khiến điều chơn giả khó phân.

(Thơ Bích Nhãn Hồ)

VÍ DẦU

Nhanh chân thì uống nước trong
Chậm chân nước đục, túi khôn ở đời
Ví dầu ta được làm người
Húc nhau trí mạng, ghế thời cao hơn.

(Thơ Bích Nhãn Hồ)

Rồi mới đây, do lòng tham không đáy, bọn bình trướng ngang nhiên vạch đường ranh, chiếm cả Biển Đông gọi là đường "Lưỡi bò". Lưỡi của con bò khỏe, nhám và dài chỉ dùng để tém cỏ vào mồm. Liếm cả Biển Đông, lãnh hải của Việt Nam, của Indonesia, Philippines mà gọi đường lưỡi bò thì tội nghiệp cho bò quá. Phải gọi là "đường lưỡi Bắc Kinh" mới đúng chớ.

Trên thế giới xưa nay chỉ có đạo Phật không kêu gọi xâm lăng, thôn tính, cai trị, không kêu gọi oán thù, không kêu gọi giết chóc, chỉ cần giữ 5 điều cấm kị sơ đẳng của đạo Phật là thế giới hòa bình, mọi người an lạc và hạnh phúc: Không giết người và vật, không tham lam trộm cướp, không tà dâm, không nói gian dối hai chiều, không dùng rượu và chất gây nghiện,....

Tôi từ giã ra về với lòng ngưỡng mộ và cảm ơn; coi đây như một thời pháp.

Long Hồ Tế (23/12/2017)
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.


Tin cũ hơn: