LTS: Nhân kỷ niệm 21 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm (1-4-2001 - 1-4-2022), PLO xin trích đăng bài viết 'Một cõi đi về' của Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm, trụ trì Chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM).

Trong buổi sinh hoạt dã ngoại văn nghệ của sinh viên Chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM), một học viên thể hiện bài hát Một cõi đi về của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài.

Sau đó có một học viên đứng dậy hỏi: Bạn hát rất hay, nhưng có hiểu được nội dung bài hát này mang ý nghĩa gì không? Tất cả 500 học viên đều ngơ ngác, quay nhìn lại hỏi tôi: Sư phụ biết không? Phân tích cho chúng con nghe.

Đây là một điều khá nan giải. Nhạc Trịnh mang một màu sắc, thể điệu vô cùng lạ, ca từ mênh mang trừu tượng, ý tưởng siêu nhiên khúc chiết, ẩn ngữ mà phiêu bồng làm sao giải thích. Nhưng nghĩ trường phái hội họa siêu thực vẫn chứa một nội dung hiện thực sâu sắc ẩn tàng trong tác phẩm, nên tôi mạo muội đem ra phân tích cho các em học viên hiểu thêm một ít về tác phẩm “Một cõi đi về“.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 1
Chân dung Như Không Thích Nhuận Tâm. Ảnh: NVCC

Nơi nào diễn đạt không trọn nghĩa hoặc sai lầm, mong cố nhạc sỹ và mọi người niệm tình lượng thứ. Nhân dịp ngày mất của cố nhạc sỹ để thay nén nhang tưởng nhớ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng quy y Phật

Đầu tiên ta tìm hiểu sơ qua hoàn cảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi tuổi thơ nỗi buồn mất cha thường hay lên chùa tụng kinh cầu siêu và quy y pháp danh Nguyên Thọ, nghĩa là thọ nhận từ suối nguồn phật pháp, cùng học nghi lễ âm nhạc phật giáo qua âm điệu tán tụng với hai vị kinh sư nổi tiếng thời bấy giờ đó là Hoà thượng chùa Hiếu Quang và chùa Phổ Quang. Từ đó tâm hồn thơ ngây của nhạc sĩ mang âm hưởng cung điệu thiền ca của Phật giáo.

Trong bài viết năm 2001 trên tờ Nguyệt san Giác Ngộ, Trịnh Công Sơn đã nói trực tiếp: “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật”.

Vậy chúng ta minh chứng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một phật tử thuần tuý mang nhiều ảnh hưởng tư tưởng phật giáo như diễn đạt hình ảnh Mẹ Quan Âm

“Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang.
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn.
Tôi mời em về đêm gội mưa trong.
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm”
 (Đoá hoa vô thường).

Kiến thức có ba giai đoạn: Bước đầu bị bội thực, thứ hai được tiêu hoá, thứ ba đến giai đoạn tiêu dung biến thành cơ nhiệt, thành hơi thở sức sống chất liệu riêng mình. Nhạc sĩ Trịnh nghiên cứu kinh điển phật giáo hoà với triết học di sản văn hoá đông tây kim cổ đã được tiêu dung mất dấu ngữ ngôn sách vở, biến thành dưỡng chất nhạc ngữ; khác biệt âm ba trong trái tim đủ đầy thiền ca, thành một bản kinh đặt trên nền tảng luân hồi, hoá thân vào âm nhạc một triết lý sống lung linh với những ca từ huyền nhiệm, đưa con người từ khổ đau đến cõi an vui.

Ta xét sơ qua đề tài “Một cõi đi về” là một cõi để ta đi về đến nơi, hay một cõi để ta Đi và Về? “Vậy, Một cõi không phải một nơi chốn, một tỉnh thành, một nước, một địa chỉ cụ thể… một cõi ở đây gọi như: cõi trời, cõi tiên, cõi phật, cõi người ta… và một cảnh giới chỉ cho tâm linh.

Chúng ta đặt lại vấn đề thời gian tác giả viết: “Bao nhiêu năm rồi…?” là một năm, hai năm hay hàng tỉ tỉ năm đến vô lượng kiếp năm chỉ thời gian đã đi qua. Vậy đến đâu, để làm gì, mà lộ trình cứ mãi ra đi?

Theo thuyết luân hồi của Phật giáo sau khi chúng ta chết đầu thai trong sáu đường đó là: Thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì còn trôi lăn trong lục dục chi phối bởi nghiệp dĩ lôi kéo bị đày đoạ đớn đau thân phận phải chịu nhiều mệt mỏi.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 2
Tượng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cao 2,4m bên bờ biển Quy Nhơn. Ảnh: TTXVN

“Ôi! cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” (Cát bụi). Cuộc đời là một hành trình ném đủ đầy dâu bể cứ lặn hụp giữa dòng nhục vinh còn mất, loay hoay vòng kiếp phù sinh.

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Người ta thường ví người nào khổ đau, trách nhiệm nhiều là gánh nặng trên hai vai. “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”.

Đến đây chúng ta thấy nhạc sĩ thâm hiểu triết lý Phật giáo một cách sâu sắc có hai ý: Ý nói trên đôi vai gánh hai vầng nhật nguyệt là chỉ cho sự chi phối âm và dương, ngày và đêm, khổ đau và hạnh phúc tròn và khuyết của vần xoay nhân duyên tan hợp.

Tuy đôi vai gánh nặng nhưng mặt trời và mặt trăng toả cho ta ánh sáng, tính năng của mặt trời là nóng, tính năng của mặt trăng là lạnh, ý nói đời người luôn chịu đựng hai thái cực nóng và lạnh, phiền và nã, nhưng triết lý phật giáo, phiền não tức bồ đề, theo chữ hán thì bộ nhật và bộ nguyệt kết lại thành chữ ”minh 明“, chữ minh nghĩa là sáng bên trong, là trí tuệ bừng nở tỉnh thức tâm hồn, mới có ánh sáng.

Đi về cội nguồn thế giới tự tâm

“Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Vậy đi về đâu cần trí tuệ soi đường? Phải chăng chỉ rõ đi về cội nguồn thế giới tự tâm. Khi tâm được trí tuệ soi sáng, thì nghe ra tất cả muôn loại vạn vật đều có sự sống, có ngôn ngữ riêng, lắng nghe sâu sắc âm thanh lạ thường của núi thở, non nước hoà âm ngôn ngữ trăng sao cùng cỏ cây reo hát.

“Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ”. Khi hoà nhập với vạn thể, vạn hữu ta đắm mình say sưa, không vướng bận buộc ràng bởi việc thịnh suy nhân thế, nên một chiều ngồi say, thấy một ngày thanh thản trôi qua.

“Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua”. Khi nhìn ra sự vận hành tự nhiên bốn mùa của vũ trụ, dịch chuyển tuần tự thay nhau màu sắc đất trời, ta không còn lo âu sợ hãi, an nhiên để nhìn.

“Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ”. Chân ngựa từ xa chạy về, trong thuật ngữ Phật giáo thường ví tâm con người lăng xăng vọng tưởng như con vượn chạy nhảy lung tung suốt ngày như con ngựa, gọi là: “Tâm viên ý mã”, từ xa đang chạy về nơi cội nguồn giác ngộ.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 3

Nhiều hoạt động kỷ niệm 21 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra trong hôm nay (1-4)

 

“Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”. Con người tỉnh thức sống trong chánh niệm, phúc báo đủ đầy tự nhiên có sự bảo hộ của đất trời. Trong Phật giáo thường tụng (tuỳ xứ kiết tường vân) kiết tường vân là mây lành thường che chở an ổn cuộc sống: “Mây che trên đầu”, chúng ta đặt lại vấn đề, mây che trên đầu rồi mà còn nắng trên vai?

Đoạn đầu nhạc sĩ dùng nhạc ảnh diễn tả trên đôi vai hai vầng nhật nguyệt, bây giờ lại nắng trên vai, tại sao hai lãnh cực đối nhau như thế? Khi chúng ta gặp điều gì phập phồng sợ hãi đôi vai bị ớn lạnh làm cơ thể tiêu mất nhiệt năng, ý nói từ vô lượng kiếp đến nay sống hoang mang kiếp nhược, nay buông xả lo âu, lòng thanh tịnh thắp năng lượng tràn đầy thì nắng về sưởi ấm bờ vai: “Mây che trên đầu và nắng trên vai”. 

Nắng về đậu cho lòng an tịnh mở ra muôn trùng cuộc lữ, cho đôi chân chánh niệm bước vững chãi đến phương trời tỉnh giác, vượt qua những khúc quanh dâu bể thịnh suy, bỏ lại sau lưng con sông mê muội trầm luân.

“Đôi chân ta đi, sông còn ở lại”. Đôi chân khi đến bên kia bờ giác thảnh thơi, chuyển hóa vô minh, mở lòng bi nguyện rộng lớn, yêu thương phát từ con tim không điều kiện, không đối đãi, như con tim yêu thương của mẹ không cần đáp lại.

Nguyên bản tác giả viết “con tinh” người miền Trung nói chung, thường hay mắng yêu những đứa nhỏ gái ngỗ nghịch, phá phách thường gọi là “con yêu tinh” gọi tắt là con tinh. Tại sao tác giả gọi con tinh? Trong con người có hình ảnh thiện và ác: Ác là tham lam thường nóng nảy đố kỵ ganh ghét, khi chúng ta chuyển hoá trở về bản chất yêu thương, bao dung tha thứ, hỷ xả vô phân biệt nên gọi là vô tình chợt gọi để bùng vỡ trong tâm thức hiện cái bóng của con người. Mới thấy dấu của cái bóng chứ chưa phải hình thật, vậy bóng của ai hiện trong ta? Chính cái bóng của bản thể cội nguồn khuôn mặt xưa nay, là Phật tính, là bản lai diện mục.

“Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Đến đây mở cho ta nhìn thấy bóng dáng nửa chặng đường của “Một cõi đi về” bùng vỡ khai nguyên suối nguồn nội tại được cơn mưa pháp tưới tẩm dưỡng nuôi kết mùa hoa trái.

Kinh Pháp Hoa trong phẩm (thí dụ) lời thuyết pháp như cơn mưa, như nắng hạn lâu ngày, nay cơn mưa tưới tẩm cho vạn vật cây cỏ hồi sinh nên gọi là “mưa pháp”, khi hành giả trên lộ trình tỉnh giác, ngồi đâu cũng nghe được tiếng pháp, từ tiếng hót của chim, lời reo ca trong gió, sự biến đổi vô thường dâu bể… cũng đều “thuyết pháp “tức là mưa pháp. Tại sao ngồi nghe mưa nơi này còn lại nhớ mưa xa, mưa ở đâu mà nhớ?

Theo quan niệm vũ trụ quan Phật giáo, có hằng hà sa số thế giới, có những thế giới chư Phật đang thuyết pháp, tâm niệm hành giả luôn nhớ nghĩ đến mười phương cõi, từ nơi này nhớ đến tận chốn xa. Nếu nhạc sĩ dùng tiếng mưa đổ, mưa xối xả, thì có lẽ bão bùng lụt lội thiên tai là phá sản tâm hồn, chỉ dùng một động từ nhẹ.

“Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ”. Hạt nhỏ ở đây hành giả diễn đạt nghĩa lý sâu xa. Miếng đất tâm (tâm địa) bị khô hạn từ vô lượng kiếp đến nay, chỉ có cơn mưa nhỏ, không đủ sức dập tan phiền não cho cây tuệ giác ngời soi để nhìn ra cội nguồn hội ngộ.

Hội ngộ cái gì, ở đâu, để làm chi, có ích không? Một câu hỏi trọng đại kiếp người, không đơn thuần như sự hội ngộ bạn bè, anh em, gia đình… Đây là cuộc hội ngộ vỡ bùng đại mộng tử sinh, đường đời thăm thẳm vô biên, bão giông nghẽn lối, não phiền ngăn che, nên: “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”. Bị vô minh che khuất dày đặc chưa hội ngộ bến bờ miên viễn, thì cuộc lữ dạt trôi trăm suối ngàn sông, mịt mờ dặm bước nghiêng mông mênh chiều, khơi đèn soi bóng tịch liêu, đường xưa mù mịt hắt hiu quê nhà.

“Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Hành giả muốn nói ”quê nhà“ ở đây là bản thể tự tính chân như, giống như ý tưởng của nhà thơ Bùi Giáng: “Hỏi rằng: quê ở nơi đâu? Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà". Bị mê muội não phiền che lấp từ vô thuỷ đến nay lên xuống sáu đường, lang thang tam giới mịt mờ cố quận, đành phải chạy loanh quanh, một vòng của kiếp người một đời thêm tiều tuỵ.

“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”. Đời là biển khổ đầy mồ hôi và nước mắt. Khi sinh ra và lớn lên bon chen trong đời sống, nếm đủ đầy nhục-vinh, được-thua, còn-mất, tranh giành phú quý công danh, khi xuôi tay nhắm mắt. Trăm năm có nghĩa gì đâu? Hai bàn tay trắng về đâu bến bờ? mới biết cơn đại mộng luôn bám víu theo ta, từ thời tuổi còn thơ "bờ cỏ non” đến khi kết thúc cuộc đời.

“Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa”. Đời người ngủ thì mơ thức thì mộng, không nhìn ra chân lý sống, khi hoàng hôn tắt bóng xế chiều ngả xuống cô thôn, đời người cuối nẻo chân mây mới thảng thốt nghe ra: “Từng lời tà dương là lời mộ địa”. Lời tà dương là lời vô thường thúc dục, cấp bách, nhắc ta nhanh lên, thời gian không còn đợi chờ, từ đó ta mới ra sức nỗ lực tinh cần tìm cầu con đường thảnh thơi giác ngộ.

Lời mộ địa là lời cuối cùng một đời người, thành bại, nhục vinh rồi cũng chôn kín dưới đáy mộ cô quạnh. “Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hoá hư không”. Giấc mộng do vọng tưởng sinh ra hư ảo mê muội, giờ đây định tỉnh truy nguyên ra chân tướng của vạn vật mới nghe ra.

“Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”. Nước trào dâng trăm sông ngàn biển, dài đến vô tận rộng đến vô cùng, mênh mông không ngằn mé, có những dòng đục và trong, lẫn lộn hương vị mặn và ngọt, phát xuất từ suối khe là suối nguồn chân tâm thật tướng, bản thể của muôn loài, như mặt đất sinh ra vạn vật, cỏ cây.

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi”. Có phải đây là một cảnh giới tác giả phác hoạ lên bức tranh tuyệt mỹ, đi và về đều ung dung xuyên suốt. Trong 10 bức tranh thiền chăn trâu (Thập mục ngưu đồ), từ khi tìm trâu đến khi chứng đạo trở về cội nguồn. Ta lại phát nguyện ngược lại độ sinh trong ba cõi, sáu đường, thõng tay vào chợ. Nơi nào khổ đau ta ban vui, chốn nào trầm luân thả thuyền từ cứu vớt, nơi nào vô minh trao đuốc tuệ soi đường.     

“Đi lên non cao đi về biển rộng”. Đi cùng khắp chứng kiến nhiều cảnh bi thương thống khổ đoạ đày, kiếp nhân sinh nổi trôi trăm bờ vạn bến, bão tố thiên tai dịch bệnh chiến tranh quái ác, chưa một lần thứ tha.

“Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”. Đôi tay nhân gian là đôi tay trong phạm trù đối đãi, sinh và diệt, sống-chết, tối-sáng, tăng-giảm được-thua, còn-mất… luôn thay nhau hành hạ dày vò chi phối kiếp nhân sinh chưa giây phút buông tha độ lượng, nên hắt hiu cho thân phận đời người.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 4

Như Không Thích Nhuận Tâm, Trụ trì chùa Lá, phát gạo và nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn đại dịch bùng phát. Ảnh: PĐ

“Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Ngọn gió hoang vu là ngọn gió vô thường có sức tàn phá từ nội tâm bản chất đến hiện tượng bên ngoài, từ rực rỡ đến điêu tàn.

Nhưng vô thường ẩn tàng chơn thường, ta biết tận dụng tuổi xuân thì, tuổi có sức bậc mãnh liệt, một nhựa sống tràn đầy, để chuyển hoá ngọn gió vô thường từ xấu đến tốt, từ khổ đau đến an vui, từ trầm luân đến bờ giải thoát như kinh Bát Nhã bất sinh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung…

Một cõi đi về, một trang kinh được lồng chuyển bằng năng lượng nhạc ngữ hoà âm thể điệu trái tim bồng bềnh sương khói, lan toả sâu trong tiềm thức, quyện với gió núi mây ngàn, cho vạn hữu hồi sinh, khai thông nhập vào bản thể không sinh không diệt, nhiếp dẫn cội nguồn Một cõi Đi và Về vô biên tự tại.

Bài viết đã được đăng trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh: 'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm