“Chúng ta quên mất mình đã tàn ác như thế nào?”

(PGVN) Đây là tên một bài viết tôi tình cờ đọc được trên trang vietnamnet.vn của nhà báo Nguyễn Thảo. Bài viết nhằm giới thiệu tới độc giả cuốn sách "Thiện, Ác và Smartphone" của TS.Đặng Hoàng Giang. Sau khi đọc cả bài báo, câu hỏi "Chúng ta quên mất mình đã tàn ác như thế nào?" cứ văng vẳng trong đầu tôi.

Tôi xin trích lại một đoạn trong bài báo: "Theo nghiên cứu của TS Giang, trong lịch sử loài người, mỗi xã hội khác nhau đều có những kỹ thuật kinh điển khác nhau để làm nhục những kẻ mà người ta cho là phạm chuẩn: Từ giễu phố, cạo đầu, xăm mặt, đóng dấu lên cơ thể... đến tấn công trên mạng và lưu lại vĩnh viễn.

Sự khác nhau về kỹ thuật làm nhục công cộng giữa thời đó và bây giờ là ở chỗ, trước đây nó chỉ nằm trong một cộng đồng nhỏ. Còn bây giờ, nó rộng rãi và toàn cầu hơn.

Cuoc song XH

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chúng ta tưởng rằng bây giờ mình văn minh hơn nhưng thực ra với tác động của mạng xã hội, nó đã khích lệ, chạm vào những cái xấu xí ở bên trong mình. Với công nghệ ấy, chúng ta đã quay ngược trở lại, sự bất nhân còn khủng khiếp hơn cái thời mà người ta lôi những cô gái chửa hoang ra chợ để đánh đòn".

Nhân nói về sự tàn ác của con người trong thời hiện đại, tôi nhớ ngay tới câu chuyện đang rất "nóng" trong dư luận những ngày qua. Đó là câu chuyện về nạn "ấu dâm". Trong khi dư luận đang tập trung khai thác mọi tình tiết có liên quan đến nạn nhân cũng như kẻ lạm dụng thì tôi lại chú ý tới gia đình của những người đã gây ra tội lỗi tày trời đó. Họ là người vợ, người con – là nạn nhân đáng thương của các "anh hùng bàn phím".

Khi đọc những dòng bình luận của cư dân mạng để lại trên facebook của những nạn nhân gián tiếp kia tôi thật sự thấy lạnh người. "Tao cầu cho cả nhà mày chết, con mày chết vì tội lỗi của chồng mày đã gây ra; bố của mày là một tên khốn nạn"... Tôi không hiểu nổi tại sao họ - những người trưởng thành lại có thể viết được những lời mạt sát kinh khủng đến vậy? Còn vô số những dòng bình luận nữa mà tôi không dám trích lại vì sự vô học của nó.

Họ, dù sao cũng chỉ là người vợ, người con trong một gia đình bình thường. Họ chỉ khác chúng ta ở chỗ có người chồng, người cha là kẻ lạm dụng trong một vụ ấu dâm. Người phạm tội sẽ phải chịu sự trừng phạt, gieo nhân nào gặt quả nấy, không ai có thể gánh tội cho ai được. Ấy vậy mà cư dân mạng lại chỉ trích họ dung túng, bao che cho hành vi của chồng, của cha mình. Trong khi sự thực có lẽ họ cũng không hề biết cho đến khi vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Trong xã hội hiện nay đang xuất hiện một bộ phận không nhỏ những anh hùng ảo. Họ có "nhiệm vụ" truy lùng và lên án những ai có liên quan tới một vụ việc tiêu cực. Họ không quan tâm tới cảm xúc của người đọc, họ chỉ việc thoải mái viết ra những lời chửi bới, mạt sát. Họ giễu cợt, sỉ nhục và hỉ hả, sung sướng trước nỗi đau của người khác, đôi khi còn lôi nó ra làm trò đùa trên mạng. Rồi đến tối, họ xoa tay đi ngủ và quên mất là mình đã tàn ác như thế nào?

Khi viết những lời bình luận đầy tức giận ấy, những người tự nhận mình "đại diện" cho chính nghĩa, phải lên tiếng trước sự xấu xa, sai trái trong xã hội đã quên mất họ đang đâm những mũi dao sắc nhọn vào trái tim của những người phụ nữ và nhất là những đứa trẻ vô tội non nớt. Đôi lúc, tôi thấy chúng ta không khác gì loài diều hâu, chỉ trực chờ bên cạnh con mồi và khi nó gục xuống sẽ lao vào cắn xé không thương tiếc.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước đây, tôi cũng là một người như vậy. Tôi luôn tập trung vào những tin tức tiêu cực thay vì nhìn vào những điều tích cực đang diễn ra trong cuộc sống. Dường như đây cũng là tâm lý chung của con người trong thời đại hiện nay. Bạn có thể nhận thấy điều này khi nhìn vào số lượng view trên các trang báo mạng. Những tin bài viết về tấm gương sáng hiếu học hay một người tử tế nhặt được 1 tỷ trả lại cho người đánh mất có rất ít người đọc. Trong khi đó, các tin "cướp-giết-hiếp" luôn có hàng chục đến hàng trăm triệu view cũng như lượt chia sẻ.

Dường như chúng ta đang hả hê hòa nhập vào "công lý đám đông". Chúng ta có cảm giác dường như sự công bằng trong xã hội là chưa đủ. Chúng ta thiếu niềm tin vào công bằng xã hội, nên chúng ta phải quan tâm tới hình thức như nhiều nhà nghiên cứu vẫn nói là "chủ nghĩa tự xử".

Hàng ngày, người ta online, đặc biệt là những người trẻ - những người chưa được trang bị để đối phó với điều này. Và vì thế họ bị sỉ nhục, bị làm tổn thương đến mức không thể tưởng tượng có thể sống tiếp tới ngày hôm sau nữa hay không. Và một số thảm kịch đã xảy ra. Nó không còn ở trong thế giới ảo nữa.

ChildLine – một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc vào năm ngoài: từ năm 2012 tới 2013, các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%.

Một phân tích tổng hợp cho thấy, lần đầu tiên tỷ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với việc bị ức hiếp trực tiếp. Và điều khiến tôi hoảng hốt là một nghiên cứu khác vào năm ngoái chỉ ra rằng sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận.

Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn giữ lại mãi mãi.

Tất cả chúng ta đều muốn được lắng nghe, nhưng hãy nhìn nhận sự khác nhau giữa nói có mục đích và nói để được chú ý. Bao dung giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp và an toàn hơn. Chúng ta cần giao tiếp với thế giới bằng sự bao dung, tiếp cận tin tức bằng sự bao dung và click chuột bằng sự bao dung. Tất cả chúng ta đều xứng đáng được bao dung trong thế giới ảo và sống trong một thế giới từ bi hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

"Với phần lớn chúng ta, để trở thành con người trắc ẩn không dễ dàng. Lòng trắc ẩn không được "kích hoạt" sau khi ta đọc vài cuốn sách của đức Đạt Lai Lạt Ma hay khi ta biết cách sử dụng điện thoại sau khi xem hướng dẫn sử dụng. Đây là một dự án kéo dài cả đời và đòi hỏi sự luyện tập hàng ngày.

Một học giả hàng đầu về tôn giáo gợi ý chúng ta cố gắng "tích điểm" ba lần mỗi ngày: làm một cử chỉ tử tế, dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận. Vào cuối mỗi ngày, khi bạn đánh răng hay thả mèo ra ngoài, bạn hãy nhìn lại xem mình có kiếm được ba điểm không? - Amstrong khuyên.

Nhưng chúng ta không nên theo đuổi dự án này bằng một sự căng thẳng, một mất một còn. Có những lúc bạn thấy mình thất bại, bạn đã hành động thiếu suy nghĩ hoặc đã tàn nhẫn," Amstrong viết tiếp. Lúc này, bạn hãy trắc ẩn với chính bản thân, mỉm cười với những thiếu sót của mình và lên quyết tâm cho ngày mai. Rồi khi ban đã thuần thục để đạt được ba điều mỗi ngày, bạn hãy hướng tới thực hành hai hành vi tử tế, ngăn chặn hai lời nói có thể gây đau. Rồi ba,v.v..." – một trích dẫn trong phân đoạn "Dự án trắc ẩn" của cuốn sách "Thiện, Ác và Smartphone".

Kinh Phật có câu: "Chúng ta là những gì mà chúng ta nghĩ. Với suy nghĩ của mình chúng ta tạo nên thế giới". Suốt quãng thời gian qua, chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu xa và tổn thương trên mảnh đất văn hóa của chúng ta, cả ở thế giới thật và ảo. Bây giờ là lúc chúng ta cần dừng lại. Đừng để những lời nói bất thiện làm hoen ố và vẩn đục tâm hồn của chúng ta. Đừng tự biến bản thân mình thành một cỗ máy gieo rắc nỗi sợ hãi, tàn nhẫn và sự độc ác. Bởi nếu tiếp tục làm vậy chúng ta không được gọi là con người nữa rồi!

Diệu Âm Minh Tâm

Nguồn: http://phatgiao.org.vn/doi-song/201703/Chung-ta-quen-mat-minh-da-tan-ac-nhu-the-nao-26217/


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: