Em gái tôi

Em_gai_toiThủa nhỏ mỗi dịp hè về mấy chị em tôi luôn háo hức vì thế nào cũng được bố mẹ sắm cho những bộ quần áo mới, lúc thì chiếc áo ba lỗ, khi thì cái quần lửng. Chúng tôi thích lắm. Tôi và chị Hương là hai chị lớn nên chỉ được một bộ mới. Riêng em Dương – cô em gái út ít trong nhà – được mẹ ưu ái sắm cho hai bộ liền. Vì nhà có ba chị em gái nên mỗi lần sắm quần áo mới là mẹ phải mua cho ba chị em tôi mỗi đứa một bộ y chang hoa văn kiểu cách như nhau, để khỏi có sự so bì quần áo của ai đẹp hơn.

Thế mà bé Dương vẫn được thêm một bộ mới không chị nào có. Chị Hương đã có được tính hay nhường nhịn của một bà chị cả nên chẳng bao giờ có ý kiến gì; nhưng riêng tôi, thì tôi ấm ức lắm. Tại sao mẹ lại sắm cho em nhiều quần áo hơn mình, em Dương là con gái thì tôi cũng là con gái. Sao mẹ lại phân biệt đối xử thế. Thứ gì tôi và chị Hương cũng phải nhường cho em phần nhiều hơn. Mà tôi chỉ hơn bé Dương đúng có hai tuổi thôi, có lớn hẳn như chị Hương đâu mà mẹ cứ bắt tôi nhường em hoài thế! Đã vậy tính nó càng lớn càng ngang ngạnh, ương bướng vì biết được mẹ cưng chiều. Có lần tôi đã hỏi mẹ về sự đối xử thiên vị đó. Mẹ nhìn tôi thoáng buồn và trả lời "có bao giờ con đi vá một chiếc áo lành hay lau một cái nhà đã sạch không?". Tôi không hiểu mẹ nói gì cả.

Lớn dần lên, khi chị Hương tôi vào cấp hai còn tôi bắt đầu lên lớp ba, bấy giờ em tôi chập chững lớp vỡ lòng, thì tôi mới nhận ra sự thiếu khuyết ở em tôi. Đó là chân trái của em ngắn hơn chân phải chừng vài phân; điều đó khiến bước đi của em khập khiễng không đều mỗi lần dịch chuyển. Em tôi đến trường trong sự tò mò trêu chọc của chúng bạn bởi những bước chân tấp tểnh trên đường. Mẹ tôi đã phải đóng riêng cho em một đôi dép khá đặc biệt, một đôi dép mà một chiếc cao hơn chiếc kia bằng với độ chênh lệch ở hai chân của em, để em đi lại được "thăng bằng". Ngay trong những buổi học đầu tiên, em tôi đã có buổi phải bỏ dở giữa chừng chạy về nhà òa khóc nức nở; vì một đứa bạn tinh quái nào đó đã giấu chiếc "dép cao" của em, khiến em dở khóc dở cười khi được cô gọi lên bảng làm bài tập. Đám bạn của em đã lấy sự không may của em làm cái cớ tạo nên những trò trêu chọc nhẫn tâm. Mỗi lần em bỏ về nhà như thế là mỗi lần em đòi nghỉ học. Thế nhưng khi nghe mẹ động viên em lại mạnh mẽ, hăm hở xách cặp đến lớp. Em đã có đủ nghị lực bỏ ngoài tai những lời đùa nghịch ác ý để chú tâm vào học tập. Quả thực em tôi rất thông minh; thêm vào đó, cái tính lầm lì của em đã lần lần khiến cho đám bạn của em có vẻ "nể" em lắm.

Em_gai_toi_1

Ảnh minh họa Internet.

Ở các cấp học sau này cũng như trong cuộc sống của em, mẹ tôi luôn là điểm tựa tinh thần theo dõi từng bước đi của em để em có thể tự tin vững vàng tiến trên đôi chân của mình.

Tôi chợt thấy xấu hổ vì mình đã ghen tỵ khi mẹ dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc cho em hơn tôi. Trong mọi việc tôi luôn chứng minh cho mẹ thấy tôi là đứa con gái ngoan, mẹ có thể yên tâm về tôi. Còn với em gái tôi, mẹ đã phải nỗ lực biết bao để cho nó có thể trưởng thành. Mẹ đã giúp tôi nhìn thấy sự không hoàn hảo của em; nhưng thay vì để chê trách hay né tránh thì hãy biết dành nhiều thời gian cho em. Sự trưởng thành của em gái tôi đã lấy đi của mẹ bao nhiêu sức lực, biến mẹ thành một bà lão già sọm và nhăn nheo, nhưng với tôi mẹ mãi là người mẹ đẹp nhất khi luôn cặm cụi suốt đời để vá lành những chiếc áo rách của con cái, để chúng tinh tươm và hữu ích cho đời. Tôi chợt nhận ra rằng trong cuộc sống có một điều vô cùng thiêng liêng mà chúng ta không có quyền phân biệt đó là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, bởi tất cả chúng ta đều vì tình yêu mà được sinh ra... „

Ngô Thị Hương Quế
(Văn Hóa phật Giáo)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: