• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm

  • PDF.
(PLO)- Nhạc Trịnh mang một màu sắc, thể điệu vô cùng lạ, ca từ mênh mang trừu tượng, ý tưởng siêu nhiên khúc chiết, ẩn ngữ mà phiêu bồng...

 Bài viết đã được đăng trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh: 'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm

LTS: Nhân kỷ niệm 21 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm (1-4-2001 - 1-4-2022), PLO xin trích đăng bài viết 'Một cõi đi về' của Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm, trụ trì Chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM).

Trong buổi sinh hoạt dã ngoại văn nghệ của sinh viên Chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM), một học viên thể hiện bài hát Một cõi đi về của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài.

Sau đó có một học viên đứng dậy hỏi: Bạn hát rất hay, nhưng có hiểu được nội dung bài hát này mang ý nghĩa gì không? Tất cả 500 học viên đều ngơ ngác, quay nhìn lại hỏi tôi: Sư phụ biết không? Phân tích cho chúng con nghe.

Đây là một điều khá nan giải. Nhạc Trịnh mang một màu sắc, thể điệu vô cùng lạ, ca từ mênh mang trừu tượng, ý tưởng siêu nhiên khúc chiết, ẩn ngữ mà phiêu bồng làm sao giải thích. Nhưng nghĩ trường phái hội họa siêu thực vẫn chứa một nội dung hiện thực sâu sắc ẩn tàng trong tác phẩm, nên tôi mạo muội đem ra phân tích cho các em học viên hiểu thêm một ít về tác phẩm “Một cõi đi về“.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 1
Chân dung Như Không Thích Nhuận Tâm. Ảnh: NVCC

Nơi nào diễn đạt không trọn nghĩa hoặc sai lầm, mong cố nhạc sỹ và mọi người niệm tình lượng thứ. Nhân dịp ngày mất của cố nhạc sỹ để thay nén nhang tưởng nhớ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng quy y Phật

Đầu tiên ta tìm hiểu sơ qua hoàn cảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi tuổi thơ nỗi buồn mất cha thường hay lên chùa tụng kinh cầu siêu và quy y pháp danh Nguyên Thọ, nghĩa là thọ nhận từ suối nguồn phật pháp, cùng học nghi lễ âm nhạc phật giáo qua âm điệu tán tụng với hai vị kinh sư nổi tiếng thời bấy giờ đó là Hoà thượng chùa Hiếu Quang và chùa Phổ Quang. Từ đó tâm hồn thơ ngây của nhạc sĩ mang âm hưởng cung điệu thiền ca của Phật giáo.

Trong bài viết năm 2001 trên tờ Nguyệt san Giác Ngộ, Trịnh Công Sơn đã nói trực tiếp: “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật”.

Vậy chúng ta minh chứng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một phật tử thuần tuý mang nhiều ảnh hưởng tư tưởng phật giáo như diễn đạt hình ảnh Mẹ Quan Âm

“Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang.
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn.
Tôi mời em về đêm gội mưa trong.
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm”
 (Đoá hoa vô thường).

Kiến thức có ba giai đoạn: Bước đầu bị bội thực, thứ hai được tiêu hoá, thứ ba đến giai đoạn tiêu dung biến thành cơ nhiệt, thành hơi thở sức sống chất liệu riêng mình. Nhạc sĩ Trịnh nghiên cứu kinh điển phật giáo hoà với triết học di sản văn hoá đông tây kim cổ đã được tiêu dung mất dấu ngữ ngôn sách vở, biến thành dưỡng chất nhạc ngữ; khác biệt âm ba trong trái tim đủ đầy thiền ca, thành một bản kinh đặt trên nền tảng luân hồi, hoá thân vào âm nhạc một triết lý sống lung linh với những ca từ huyền nhiệm, đưa con người từ khổ đau đến cõi an vui.

Ta xét sơ qua đề tài “Một cõi đi về” là một cõi để ta đi về đến nơi, hay một cõi để ta Đi và Về? “Vậy, Một cõi không phải một nơi chốn, một tỉnh thành, một nước, một địa chỉ cụ thể… một cõi ở đây gọi như: cõi trời, cõi tiên, cõi phật, cõi người ta… và một cảnh giới chỉ cho tâm linh.

Chúng ta đặt lại vấn đề thời gian tác giả viết: “Bao nhiêu năm rồi…?” là một năm, hai năm hay hàng tỉ tỉ năm đến vô lượng kiếp năm chỉ thời gian đã đi qua. Vậy đến đâu, để làm gì, mà lộ trình cứ mãi ra đi?

Theo thuyết luân hồi của Phật giáo sau khi chúng ta chết đầu thai trong sáu đường đó là: Thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì còn trôi lăn trong lục dục chi phối bởi nghiệp dĩ lôi kéo bị đày đoạ đớn đau thân phận phải chịu nhiều mệt mỏi.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 2
Tượng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cao 2,4m bên bờ biển Quy Nhơn. Ảnh: TTXVN

“Ôi! cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” (Cát bụi). Cuộc đời là một hành trình ném đủ đầy dâu bể cứ lặn hụp giữa dòng nhục vinh còn mất, loay hoay vòng kiếp phù sinh.

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Người ta thường ví người nào khổ đau, trách nhiệm nhiều là gánh nặng trên hai vai. “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”.

Đến đây chúng ta thấy nhạc sĩ thâm hiểu triết lý Phật giáo một cách sâu sắc có hai ý: Ý nói trên đôi vai gánh hai vầng nhật nguyệt là chỉ cho sự chi phối âm và dương, ngày và đêm, khổ đau và hạnh phúc tròn và khuyết của vần xoay nhân duyên tan hợp.

Tuy đôi vai gánh nặng nhưng mặt trời và mặt trăng toả cho ta ánh sáng, tính năng của mặt trời là nóng, tính năng của mặt trăng là lạnh, ý nói đời người luôn chịu đựng hai thái cực nóng và lạnh, phiền và nã, nhưng triết lý phật giáo, phiền não tức bồ đề, theo chữ hán thì bộ nhật và bộ nguyệt kết lại thành chữ ”minh 明“, chữ minh nghĩa là sáng bên trong, là trí tuệ bừng nở tỉnh thức tâm hồn, mới có ánh sáng.

Đi về cội nguồn thế giới tự tâm

“Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Vậy đi về đâu cần trí tuệ soi đường? Phải chăng chỉ rõ đi về cội nguồn thế giới tự tâm. Khi tâm được trí tuệ soi sáng, thì nghe ra tất cả muôn loại vạn vật đều có sự sống, có ngôn ngữ riêng, lắng nghe sâu sắc âm thanh lạ thường của núi thở, non nước hoà âm ngôn ngữ trăng sao cùng cỏ cây reo hát.

“Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ”. Khi hoà nhập với vạn thể, vạn hữu ta đắm mình say sưa, không vướng bận buộc ràng bởi việc thịnh suy nhân thế, nên một chiều ngồi say, thấy một ngày thanh thản trôi qua.

“Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua”. Khi nhìn ra sự vận hành tự nhiên bốn mùa của vũ trụ, dịch chuyển tuần tự thay nhau màu sắc đất trời, ta không còn lo âu sợ hãi, an nhiên để nhìn.

“Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ”. Chân ngựa từ xa chạy về, trong thuật ngữ Phật giáo thường ví tâm con người lăng xăng vọng tưởng như con vượn chạy nhảy lung tung suốt ngày như con ngựa, gọi là: “Tâm viên ý mã”, từ xa đang chạy về nơi cội nguồn giác ngộ.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 3

Nhiều hoạt động kỷ niệm 21 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra trong hôm nay (1-4)

 

“Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”. Con người tỉnh thức sống trong chánh niệm, phúc báo đủ đầy tự nhiên có sự bảo hộ của đất trời. Trong Phật giáo thường tụng (tuỳ xứ kiết tường vân) kiết tường vân là mây lành thường che chở an ổn cuộc sống: “Mây che trên đầu”, chúng ta đặt lại vấn đề, mây che trên đầu rồi mà còn nắng trên vai?

Đoạn đầu nhạc sĩ dùng nhạc ảnh diễn tả trên đôi vai hai vầng nhật nguyệt, bây giờ lại nắng trên vai, tại sao hai lãnh cực đối nhau như thế? Khi chúng ta gặp điều gì phập phồng sợ hãi đôi vai bị ớn lạnh làm cơ thể tiêu mất nhiệt năng, ý nói từ vô lượng kiếp đến nay sống hoang mang kiếp nhược, nay buông xả lo âu, lòng thanh tịnh thắp năng lượng tràn đầy thì nắng về sưởi ấm bờ vai: “Mây che trên đầu và nắng trên vai”. 

Nắng về đậu cho lòng an tịnh mở ra muôn trùng cuộc lữ, cho đôi chân chánh niệm bước vững chãi đến phương trời tỉnh giác, vượt qua những khúc quanh dâu bể thịnh suy, bỏ lại sau lưng con sông mê muội trầm luân.

“Đôi chân ta đi, sông còn ở lại”. Đôi chân khi đến bên kia bờ giác thảnh thơi, chuyển hóa vô minh, mở lòng bi nguyện rộng lớn, yêu thương phát từ con tim không điều kiện, không đối đãi, như con tim yêu thương của mẹ không cần đáp lại.

Nguyên bản tác giả viết “con tinh” người miền Trung nói chung, thường hay mắng yêu những đứa nhỏ gái ngỗ nghịch, phá phách thường gọi là “con yêu tinh” gọi tắt là con tinh. Tại sao tác giả gọi con tinh? Trong con người có hình ảnh thiện và ác: Ác là tham lam thường nóng nảy đố kỵ ganh ghét, khi chúng ta chuyển hoá trở về bản chất yêu thương, bao dung tha thứ, hỷ xả vô phân biệt nên gọi là vô tình chợt gọi để bùng vỡ trong tâm thức hiện cái bóng của con người. Mới thấy dấu của cái bóng chứ chưa phải hình thật, vậy bóng của ai hiện trong ta? Chính cái bóng của bản thể cội nguồn khuôn mặt xưa nay, là Phật tính, là bản lai diện mục.

“Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Đến đây mở cho ta nhìn thấy bóng dáng nửa chặng đường của “Một cõi đi về” bùng vỡ khai nguyên suối nguồn nội tại được cơn mưa pháp tưới tẩm dưỡng nuôi kết mùa hoa trái.

Kinh Pháp Hoa trong phẩm (thí dụ) lời thuyết pháp như cơn mưa, như nắng hạn lâu ngày, nay cơn mưa tưới tẩm cho vạn vật cây cỏ hồi sinh nên gọi là “mưa pháp”, khi hành giả trên lộ trình tỉnh giác, ngồi đâu cũng nghe được tiếng pháp, từ tiếng hót của chim, lời reo ca trong gió, sự biến đổi vô thường dâu bể… cũng đều “thuyết pháp “tức là mưa pháp. Tại sao ngồi nghe mưa nơi này còn lại nhớ mưa xa, mưa ở đâu mà nhớ?

Theo quan niệm vũ trụ quan Phật giáo, có hằng hà sa số thế giới, có những thế giới chư Phật đang thuyết pháp, tâm niệm hành giả luôn nhớ nghĩ đến mười phương cõi, từ nơi này nhớ đến tận chốn xa. Nếu nhạc sĩ dùng tiếng mưa đổ, mưa xối xả, thì có lẽ bão bùng lụt lội thiên tai là phá sản tâm hồn, chỉ dùng một động từ nhẹ.

“Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ”. Hạt nhỏ ở đây hành giả diễn đạt nghĩa lý sâu xa. Miếng đất tâm (tâm địa) bị khô hạn từ vô lượng kiếp đến nay, chỉ có cơn mưa nhỏ, không đủ sức dập tan phiền não cho cây tuệ giác ngời soi để nhìn ra cội nguồn hội ngộ.

Hội ngộ cái gì, ở đâu, để làm chi, có ích không? Một câu hỏi trọng đại kiếp người, không đơn thuần như sự hội ngộ bạn bè, anh em, gia đình… Đây là cuộc hội ngộ vỡ bùng đại mộng tử sinh, đường đời thăm thẳm vô biên, bão giông nghẽn lối, não phiền ngăn che, nên: “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”. Bị vô minh che khuất dày đặc chưa hội ngộ bến bờ miên viễn, thì cuộc lữ dạt trôi trăm suối ngàn sông, mịt mờ dặm bước nghiêng mông mênh chiều, khơi đèn soi bóng tịch liêu, đường xưa mù mịt hắt hiu quê nhà.

“Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Hành giả muốn nói ”quê nhà“ ở đây là bản thể tự tính chân như, giống như ý tưởng của nhà thơ Bùi Giáng: “Hỏi rằng: quê ở nơi đâu? Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà". Bị mê muội não phiền che lấp từ vô thuỷ đến nay lên xuống sáu đường, lang thang tam giới mịt mờ cố quận, đành phải chạy loanh quanh, một vòng của kiếp người một đời thêm tiều tuỵ.

“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”. Đời là biển khổ đầy mồ hôi và nước mắt. Khi sinh ra và lớn lên bon chen trong đời sống, nếm đủ đầy nhục-vinh, được-thua, còn-mất, tranh giành phú quý công danh, khi xuôi tay nhắm mắt. Trăm năm có nghĩa gì đâu? Hai bàn tay trắng về đâu bến bờ? mới biết cơn đại mộng luôn bám víu theo ta, từ thời tuổi còn thơ "bờ cỏ non” đến khi kết thúc cuộc đời.

“Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa”. Đời người ngủ thì mơ thức thì mộng, không nhìn ra chân lý sống, khi hoàng hôn tắt bóng xế chiều ngả xuống cô thôn, đời người cuối nẻo chân mây mới thảng thốt nghe ra: “Từng lời tà dương là lời mộ địa”. Lời tà dương là lời vô thường thúc dục, cấp bách, nhắc ta nhanh lên, thời gian không còn đợi chờ, từ đó ta mới ra sức nỗ lực tinh cần tìm cầu con đường thảnh thơi giác ngộ.

Lời mộ địa là lời cuối cùng một đời người, thành bại, nhục vinh rồi cũng chôn kín dưới đáy mộ cô quạnh. “Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hoá hư không”. Giấc mộng do vọng tưởng sinh ra hư ảo mê muội, giờ đây định tỉnh truy nguyên ra chân tướng của vạn vật mới nghe ra.

“Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”. Nước trào dâng trăm sông ngàn biển, dài đến vô tận rộng đến vô cùng, mênh mông không ngằn mé, có những dòng đục và trong, lẫn lộn hương vị mặn và ngọt, phát xuất từ suối khe là suối nguồn chân tâm thật tướng, bản thể của muôn loài, như mặt đất sinh ra vạn vật, cỏ cây.

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi”. Có phải đây là một cảnh giới tác giả phác hoạ lên bức tranh tuyệt mỹ, đi và về đều ung dung xuyên suốt. Trong 10 bức tranh thiền chăn trâu (Thập mục ngưu đồ), từ khi tìm trâu đến khi chứng đạo trở về cội nguồn. Ta lại phát nguyện ngược lại độ sinh trong ba cõi, sáu đường, thõng tay vào chợ. Nơi nào khổ đau ta ban vui, chốn nào trầm luân thả thuyền từ cứu vớt, nơi nào vô minh trao đuốc tuệ soi đường.     

“Đi lên non cao đi về biển rộng”. Đi cùng khắp chứng kiến nhiều cảnh bi thương thống khổ đoạ đày, kiếp nhân sinh nổi trôi trăm bờ vạn bến, bão tố thiên tai dịch bệnh chiến tranh quái ác, chưa một lần thứ tha.

“Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”. Đôi tay nhân gian là đôi tay trong phạm trù đối đãi, sinh và diệt, sống-chết, tối-sáng, tăng-giảm được-thua, còn-mất… luôn thay nhau hành hạ dày vò chi phối kiếp nhân sinh chưa giây phút buông tha độ lượng, nên hắt hiu cho thân phận đời người.

'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm - ảnh 4

Như Không Thích Nhuận Tâm, Trụ trì chùa Lá, phát gạo và nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn đại dịch bùng phát. Ảnh: PĐ

“Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Ngọn gió hoang vu là ngọn gió vô thường có sức tàn phá từ nội tâm bản chất đến hiện tượng bên ngoài, từ rực rỡ đến điêu tàn.

Nhưng vô thường ẩn tàng chơn thường, ta biết tận dụng tuổi xuân thì, tuổi có sức bậc mãnh liệt, một nhựa sống tràn đầy, để chuyển hoá ngọn gió vô thường từ xấu đến tốt, từ khổ đau đến an vui, từ trầm luân đến bờ giải thoát như kinh Bát Nhã bất sinh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung…

Một cõi đi về, một trang kinh được lồng chuyển bằng năng lượng nhạc ngữ hoà âm thể điệu trái tim bồng bềnh sương khói, lan toả sâu trong tiềm thức, quyện với gió núi mây ngàn, cho vạn hữu hồi sinh, khai thông nhập vào bản thể không sinh không diệt, nhiếp dẫn cội nguồn Một cõi Đi và Về vô biên tự tại.

Bài viết đã được đăng trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh: 'Một cõi đi về' qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm

 

Cảm Nghỉ của học viên về chùa lá

  • PDF.

Em cũng như bao người yêu thích học Ngoại ngữ đặc biệt là Tiếng Anh. Tuy nhiên em lại hay gặp rắc rối trong việc học Tiếng Anh cũng như trau dồi vốn ngoại ngữ cho việc giao tiếp với các bạn nước ngoài, việc học tập,... mặc dù có tìm hiểu nhiều nơi nhưng em vẫn chưa xác định được Trung tâm nào có thể ôn tập và hoàn thành mục tiêu nhằm cải thiện kỹ năng cũng như vốn từ vựng về Tiếng Anh của mình.

Nhưng từ khi em biết đến Chùa Lá, là một ngôi chùa tuy gần chốn thành thị ồn ào nhưng ngôi chùa lại cách biệt với những tiếng ồn ào xe cộ qua lại và thay vào đó là một nơi yên tĩnh và thanh bình và Chùa Lá cũng là nơi mà em đã lựa chọn cho việc cải thiện những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của mình. Tuy em chỉ vừa tham gia vào lớp chưa được lâu nhưng em cảm thấy từ những người thầy, người cô những người bạn đến từ những đất nước khác nhau đã hỗ trợ, giúp đỡ, cải thiện và cho em thấy được những khuyết điểm và nâng cao những kỹ năng của em trong quá trình giảng dạy.

Đây thật sự là nơi dành cho những ai thực sự yêu thích, có niềm đam mê gắn bó với ngôn ngữ mình đã chọn cũng như việc gắn kết mọi người từ khắp vùng miền và các bạn đến từ nhiều nơi trên thế giới như: Anh, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia,...lại gần và biết về nhau nhiều hơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ giảng dạy miễn phí và giúp đỡ cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn có niềm đam mê học Tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác thì chùa Lá cũng có những hoạt động văn hoá như trở thành tình nguyện viên giúp đỡ những vùng hay bị lũ lụt, quyên góp quần áo, hỗ trợ lương thực những vùng miền gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức những ngày lễ Vu Lan báo hiếu hay tổ chức phát quà từ thiện cho các trẻ em cơ nhỡ,...

Đồng hành cùng với các bạn trong quá trình học tập không chỉ những người thầy, người cô, các bạn nước bản xứ và các bạn học cùng trang lứa mà còn có những cô chú tuy ngoài 40 tuổi nhưng vẫn có niềm đam mê được học tập và giao tiếp với các bạn nước ngoài vẫn đến tham gia. Tuy góc học tập có hơi bé nhỏ nhưng lại vô cùng ấm cúng và chứa chan sự nhiệt huyết và tinh thần ham học của mọi người bên trong phòng học đó.

Chùa Lá luôn chào đón mọi người đến học tập và cùng mọi người trải nghiệm những điều nhiều màu sắc hơn về cuộc sống trong và ngoài nước thông qua nhiều bài giảng và những cuộc trò chuyện với nhiều bạn đến từ nhiều nơi trên thế giới. Và còn đợi gì nữa mà các bạn không tìm đến Chùa Lá cùng mình và những người bạn nước ngoài bước vào cuộc hành trình cải thiện Ngôn ngữ và tạo nên những  kỷ niệm đẹp.

Tập thể lớp LS 1.12

z3302149842685_c7134c4604c58ffcaa7fdd3cc12dc500.jpgz3302149855397 09c11df1d937e459d2a6280fd5210a16

z3302149860056_57bef9e112f2b529e433b7d911c21a6a.jpgz3302149862301 c0be7f296e00c829167d8fc36254d9ec

 

Chùa Lá Gò Vấp - Nơi tình yêu bắt đầu

  • PDF.

Chùa Là Gò Vấp - Nơi Tình Yêu Bắt Đầu

   Có lẽ trong chúng ta, ký ức về một ngôi chùa là tiếng kinh, tiếng mõ, tiếng chuông ngân vang mỗi ngày. Nhưng ở một nơi hẻm nhỏ sâu trong đó là một ngôi chùa mà không chỉ tiếng kinh, tiếng chuông mà còn vọng ra những âm thanh “Ngoại quốc” và còn tấp nập hình bóng của các bạn sinh viên ra vào chốn Thiền Môn.

Chùa Lá Gò Vấp - Trung Tâm Ngoại Ngữ Miễn Phí. Cái tên nghe là thấy “Nghèo” rồi vậy mà nơi ấy là “Giàu” về tình thương.

167157232 449787099690433 3919693856203051725 n

   Những ngày đầu tiên xa quê vào thành phố, cũng như những sinh viên khác, chúng tôi lang thang xung quanh khu mình sống trọ và vô tình đến ngôi chùa nằm sau tận cuối hẻm này với cái bảng trước cổng “Trung Tâm Ngoại Ngữ Miễn Phí Chùa Lá Gò Vấp”. Bước vào cổng chùa chúng tôi gặp vị Thầy dáng cao nhưng hơi ốm, chấp tay chào Thầy thì mới biết là Trụ Trì Chùa Lá và cũng là người sáng lập Trung Tâm.

     Những ngày đầu tiên chỉ có một lớp học nhỏ ở trước chùa đang dạy Tiếng Anh do giáo viên chuyên môn dạy. Thầy cho biết thầy vừa thành lập cách đây không lâu 17/01/2010 nên chỉ có vài lớp với ba thứ tiếng: Anh - Pháp – Đức - Hoa - Nhật, mỗi lớp chừng 30 học viên, các lớp học theo ca. Giáo viên dạy học là do Thầy mời về và Thầy Cô chỉ nhận mỗi tháng một ít lệ phí để trả tiền xăng đi lại. Còn tất cả học viên ở đây học đều miễn phí hoàn toàn. Vậy là chúng tôi xin đăng ký lớp Tiếng Anh.

167125137 449787143023762 6280192031529682834 n

Khoảng thời gian này có lẽ là những kỷ kiệm đẹp nhất của chúng tôi. Cùng ăn, cùng học, cùng vui chơi,

Nhớ nhất lần chúng tôi theo đoàn Từ Thiện ở Ninh Thuận. Chúng tôi di chuyển bằng xe Công Nông chuyển theo những vật phẩm vào tận sâu trong ngôi Làng miền Núi. Sau khi phát xong thì chúng tôi cũng đói rã rời. Chúng tôi nghỉ lại ở nhà nghĩ gần trung tâm, tìm khắp nơi thì mọi chỗ đều ngập nước, may sao có chủ nhà nghỉ dù bị ngập nước đến tận đầu gối nhưng vẫn đón tiếp chúng tôi ở lại.

 

Rồi chúng tôi làm báo tường kỉ niệm 20-11, rồi bán hàng gây quỹ ở Suối Tiên chúng tôi phải ngủ lại đêm để chuẩn bị, bán hoa gây quỹ, phát quà từ thiện ở chùa, viết thư pháp,..

166551438 449787163023760 5628269175099271946 n

 

 

Rồi những chuyến dã ngoại Vũng Tàu, Củ Chi giao lưu cùng các bạn sinh viên nước ngoài,…

 

Trãi qua 10 năm, giờ đây Trung Tâm đã dạy nhiều thứ tiếng: Anh – Hoa – Nhật – Đức – Pháp – Hàn cho hơn 50.000 sinh viên theo học.

Giờ đây, chúng tôi đã ra trường, mỗi người đều có một công việc, gia đình riêng. Nhưng nơi này vẫn là nơi chúng tôi trở về. Mỗi người đều góp một ít cho chuyến từ thiện, hay một ít góp vào trung tâm. Rồi cũng có bạn ra trường và về dạy tại trung tâm, rồi có bạn thành đạt cũng về góp sức cho trung tâm.

“Những lớp học của thầy Nhuận Tâm giúp sinh viên tiết kiệm chi phí ăn học, bản thân tôi cũng nhờ học ngoại ngữ ở đây mà có thêm kiến thức, kỹ năng để dễ xin việc và làm việc tốt hơn khi ra trường” đó là cảm nhận và lời chia sẽ của các bạn học tại trung tâm.

Ở đây chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp gắn với tuổi sinh viên. Những kiến thức học ở đây không chỉ là Ngoại Ngữ mà còn Lòng Nhân Ái, tình thương và cả những điều bổ ích trong cuộc sống. Ở đây chúng tôi gặp nhau trong tình người.

Hãy cùng nhau chấp cánh cho tương lai, mầm xanh của Tổ quốc.

165280290 449787119690431 6265970966949864138 n

Thay mặt toàn thể học viên tại Trung Tâm xin thành kính tri ân Thầy Trụ Trì người đã thành lập Trung Tâm, Quý Thầy Cô giáo đã không quản ngại khó khăn, thời gian để cống hiến sức mình vì sự nghiệp Giáo Dục, Quý Ân Nhân đã luôn ủng hộ tinh thần và tịnh tài để Trung Tâm ngày càng phát triển.

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam kính chúc Thầy Trụ Trì, Quý Thầy Cô, Quý Ân Nhân, … an lạc trong cuộc sống. Thành kính tri ân.

                                             

 

 

 

              

Siêu thị lưu động 0 đồng tiếp phẩm khu dân cư giãn cách mùa dịch COVID-19

  • PDF.
sieu-thi-0-dong-4 ndbo
(PLO)- Mỗi ngày các Siêu thị lưu động 0 đồng sẽ phát khoảng 300 phần quà gồm gạo, mì tôm, đường, nước tương, gia vị và rau củ quả.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân, Qũy bảo trợ Thiện Nhơn Bồ Đề thuộc chùa Lá (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã thực hiện chương trình thiện nguyện Siêu thị lưu động 0 đồng hỗ trợ công nhân, người bán vé số, người vô gia cư, lao động nghèo vượt qua đại dịch.

Đại diện chương trình cho biết hoạt động này triển khai từ ngày 11-6 đến 12-7-2021. Theo đó, mỗi ngày các Siêu thị lưu động 0 đồng sẽ phát khoảng 300 phần quà gồm gạo, mì tôm, đường, nước tương, gia vị và rau củ quả, trị giá khoảng 400.000 đồng/phần tại các chốt cách ly, khu nhà trọ, gầm cầu.

Siêu thị lưu động 0 đồng tiếp phẩm khu dân cư giãn cách mùa dịch COVID-19 - ảnh 1
Nhu yếu phấm được mang đến các khu trọ, chốt cách ly để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Ảnh: CTV

Chia sẻ với phóng viên PLOThượng tọa Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá, cho biết hoạt động thiện tâm được chùa triển khai thường xuyên tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành. Đợt giãn cách này ảnh hưởng đến việc làm, nguồn thu nhập của công nhân lao động, người bán vé số, lao động tự do... nên Qũy Bảo trợ Thiện Nhơn Bồ Đề phát động chương trình nhằm san sẻ, hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn cùng vượt qua đại dịch.

Siêu thị lưu động 0 đồng tiếp phẩm khu dân cư giãn cách mùa dịch COVID-19 - ảnh 2
Siêu thị lưu động 0 đồng mang nhu yếu phẩm tiếp tế tại các chốt cách ly, gầm cầu tại TP.HCM. Ảnh: CTV

Trước đó, hồi giữa tháng 5-2020, khi dịch bệnh bùng phát, chùa Lá cùng các mạnh thường quân cũng mở nhiều đợt hỗ trợ nhu yếu phẩm đến những người có người vô gia cư, người bán vé số, bán hàng rong, người khuyết tật...

 

Siêu thị lưu động 0 đồng tiếp phẩm khu dân cư giãn cách mùa dịch COVID-19 - ảnh 3
Nhu yếu phấm được đóng gói, tập kết sẵn để hỗ trợ người dân. Ảnh: CTV

Tổng cộng, chùa Lá cùng các nhà tài trợ đã phát tổng cộng hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm và 500 triệu đồng đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm dịch bệnh.

Chùa Lá được nhiều người biết đến là nơi 10 năm nay dạy sáu ngoại ngữ (tiếng Anh, Đức, Pháp, Trung, Nhật, Hàn) miễn phí cho hàng chục ngàn người học. 

 
 

Ra mắt Đặc San Thắp Nắng Vườn Ươm 2 Trung Tâm Ngoại Ngữ Miễn Phí Thiện Nhơn - Chùa Lá Gò Vấp

  • PDF.
Lời Mở đầu
Thấm thoát đã 10 năm trôi qua kể từ ngày khai giảng lớp đầu tiên từ năm 2010 của Trung Tâm Ngoại Ngữ Miễn Phí Thiện Nhơn Chùa Lá Gò Vấp.
Trong 10 năm ấy, biết bao nhiêu khó khăn thiếu thốn, nhưng với tâm bồ đề kiên cố, Thượng Tọa Trụ Trì kiêm giám đốc Trung Tâm, Chư Tăng đạo tràng Chùa Lá Gò Vấp cùng quý thầy cô giáo, đạo hữu, văn nghệ sĩ đã từng bước khắc phục, vượt qua để Trung tâm không ngừng duy trì và phát triển cho đến ngày nay (2020) với hơn 75.000 lượt học viên đã học tập, trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống.
Duyên khởi ……
Hơn 30 năm trước, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Thượng Tọa Thích Nhuận Tâm còn là một tăng sinh từ miền Trung nghèo khó, hàng năm bão lụt, vào Sài Gòn tha phương cầu học, ăn đường ngủ bụi, bữa đói bữa no, sửa xe đạp kiếm sống, vất vả trăm bề, Thầy đã cố vượt qua để học hết các học phần Khoa Ngữ Văn trường Đại Học Tổng Hợp. Từ cuộc sống đó cơ khổ đó, Thầy tâm niệm phải tạo dựng một cơ sở dù khiêm tốn để giúp đỡ học sinh sinh viên nghèo hiếu học như mình. Đại nguyện đó đã nung nấu trong tâm ngày càng lớn mạnh cho đến một ngày….
Vào năm 1995, với số tiền ít ỏi dành dụm được cộng với sự giúp đỡ của vài Đạo hữu, thầy đã sang nhượng lại một mảnh đất nhỏ trong khu vực cầu Chợ Cầu bên bờ kênh Tham Lương ô nhiễm nặng nề. Thời đó nơi đây còn hoang hoá, bùn lầy nước đọng, dân cư thưa thớt (không khang trang, trù phú như bây giờ). Khi mới đào lỗ trồng cột, thì một đám thanh niên hư hỏng đến quậy phá, đòi tiền đòi đất, nhưng thầy đã nhiếp phục cảm hóa, một số người trong đó đã cải tà quy chánh, trở thành đạo hữu, trợ duyên cho thầy.
Và một Tịnh Thất được dựng lên, đơn sơ, tranh tre nứa lá,nhưng nét trang nghiêm vẫn hiển bày. Sau khi làm Lễ an vị Phật, việc đầu tiên thầy làm là mở ngay các lớp học tình thương xóa nạn mù chữ cho thanh thiếu niên thất học.
Đầu những năm 2000 , Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế thì ngoại ngữ là nhu cầu cấp thiết và là động lực phát triển xã hội. Các lớp học tình thương nâng lên thành Trung Tâm Ngoại Ngữ Miễn Phí Thiện Nhơn Chùa Lá Gò Vấp, dạy 6 ngoại ngữ (Anh Hoa Nhật Pháp Hàn Đức), hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi sinh viên và người lao động. Lúc này dù đã được tôn tạo thêm bằng vật liệu bán kiên cố ,nhưng khó khăn thiếu thốn mới lại ập đến. Nào là phòng ốc, bàn ghế, trang thiết bị chuyên dùng cho dạy và học, hệ thống mạng internet, tivi, máy vi tính, những nhu cầu không thể thiếu được đó đã được dần dần đáp ứng và nâng cấp từ những tài trợ không ổn định. Thầy đã phải bôn ba khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước. Bằng lao động nghệ thuật như viết thư pháp, trao đổi đá cảnh ,đá phong thủy để có kinh phí ( vi thầy là phó chủ tịch Hội Đá Cảnh- Đá Phong Thuỷ Việt Nam. Chủ tịch Hội Đá Cảnh - Đá Phong Thuỷ Vn ) . Đến nay cơ sở vật chất tương đối đủ, như phòng học với thiết bị chuyên dùng cho dạy và học ngoại ngữ cho 3000 học viên học tập mỗi khóa 3 tháng. Ngày càng nhiều giảng viên giỏi và các thầy cô trẻ năng nổ nhiệt huyết đã về cộng tác với trung tâm khiến các lớp, các môn sôi nổi, thân thiện, hiệu quả. Trong ban giảng huấn có vị dạy miễn phí vài tháng vài khóa, còn lại là có nhận một phần thù lao khiêm tốn. Tính ra mỗi tháng trung tâm phải chi ra 50- 60 triệu trang trải các chi phí giảng viên, điện nước, mạng internet, các chi phí sửa chữa trang thiết bị chuyên dùng. Số tiền này ngoài các khoản hỗ trợ không thường xuyên, thầy phải tạo ra bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, mua bán trao đổi đá trang sức, đá mỹ nghệ, đá phong thủy mới đáp ứng được.
Qua 10 năm hoạt động vừa cũng cố vừa phát triển, đến nay đã có hơn 60.000 lượt học viên theo học, đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp tại các đại học cao đẳng đang theo học. Nhiều em đạt yêu cầu phỏng vấn việc làm tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư, nhiều em xuất cảnh du học định cư thích ứng nhanh với điều kiện ở các nước tiếp nhận. Nhiều em tốt nghiệp đại học xong cũng quay trở lại tham gia giảng dạy tại trung tâm. Trung tâm không chỉ cung cấp kiến thức kỹ năng ngôn ngữ mà còn có những hoạt động xã hội cứu trợ nhằm rèn luyện và nâng cao ý thức từ thiện cho mỗi học viên.
Điều đặc biệt là trung tâm không bao giờ truyền bá tôn giáo trong lớp học. Mỗi học viên đều bình đẳng. Không phân biệt vùng miền, tôn giáo. Nhiều tu sĩ tôn giáo bạn đến theo học cũng được cư xử đúng mực theo cách riêng của tôn giáo mình.
Trong những năm qua, đến ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11 trung tâm luôn tổ chức thi đua, hội diễn văn nghệ, viết báo tường, tạo dịp cho các em bày tỏ tình cảm,lòng trân trọng với các thầy cô. Riêng năm ngoái 2019 và năm nay 2020 các em tỏ ý muốn lưu lại những kỷ niệm đẹp thời gian theo học ở trung tâm, để sau này có thể ôn lại quãng đời đã qua, các em có sáng kiến xuất bản đặc san “THẮP NẮNG VƯỜN ƯƠM”, tập hợp những bài viết của chính các em, của quý thầy cô giáo.
Thể theo nguyện vọng chính đáng đó, Thầy chủ trì và ban lãnh đạo Trung tâm đã cho ra đời đặc san “THẤP NẮNG VƯỜN ƯƠM 1” năm 2019 và đặc san “THẤP NẮNG VƯỜN ƯƠM 2” năm 2020, đánh dấu 10 năm hoạt động củng cố và phát triển của trung tâm.
Ban Biên Tập hân hạnh giới thiệu đến quý độc giả đặc san này với những bài viết đơn sơ mộc mạc nhưng thấm đẫm những tình cảm chân thành trìu mến của các em dành cho trung tâm và quý thầy cô giảng viên.
Trong quá trình biên tập và in ấn, không tránh khỏi những thiếu sót về văn phong, câu cú, từ ngữ, Ban Biên Tập rất mong nhận được sự tha thứ và góp ý của quí độc giả
Bích Nhãn Hồ
Mời cả nhà xem kênh youtube Chùa Lá Gò Vấp
2013-09-09-353a
You are here Home