• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Phật giáo và đời sống

THƯỢNG TỌA THÍCH NHUẬN TÂM: NGƯỜI HẾT LÒNG VÌ NHỮNG PHẬN NGHÈO

  • PDF.

Mở trung tâm dạy 6 ngoại ngữ miễn phí tại chùa

Thượng tọa Thích Nhuận Tâm (trụ trì chùa Lá Gò Vấp, phường 14, Quận Gò Vấp, TpHCM tên thật là Huýnh Kính, quê ở xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Từ nhỏ ông đã ăn chay trường và có mong ước được “lang bạt” khắp nơi với ý nghĩ “trời cao, đất rộng, mà mình thì thật nhỏ bé, sao không đi cho hết?”. Vậy là năm lên 14 tuổi, ông vào miền Nam một thời gian dài rồi đi bộ đội ở Campuchia. Cũng vì những năm tại Campuchia, chứng kiến nỗi khổ của nhiều người, 4 năm sau ông quyết định xuất gia rồi đi học khoa Ngữ văn trường đại học Tổng Hợp nay là trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại Học Quốc Gia TP.HCM).

Sau nhiều năm tu hành ở nhiều nơi, năm 1995,ông mua một mảnh đất bên bờ kênh Tham Lương ở quận Gò Vấp rồi dựng lên một ngôi chùa bằng tre lá và đặt tên là chùa Lá để hành đạo tại đó. Thầy Thích Nhuận Tâm nhớ lại:”Thời đó, vùng đất khu này còn hoang sơ, hẻo lánh, tập trung nhiều người dân lao động nghèo. Đặc biệt, cuộc sống khó khăn nên nhiều con em họ không có điều kiện đến trường. Tôi liền mở lớp dạy chữ miễn phí và vận động mọi người cho con em tới học”.

Trước tấm chân tình nhiệt thành của vị tu hành, những hộ dân sống ở vực này đã đưa con mình tới học chữ. Nhưng ngôi chùa thì quá chật nên không đủ chỗ, trong khi học sinh ngày một đông. Vì thế, thầy Thích Nhuận Tâm quyết định đi vận động các nhà hảo tâm để mua mảnh đất nhỏ trước chùa về dựng lên ngôi nhà cấp bốn tạm bợ làm phòng học. Đây cũng là tiền đề để hòa thượng mở trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí về sau này.

Thầy Thích Nhuận Tâm chia sẻ: “Năm 2009, thấy tôi hay làm từ thiện, một Mạnh Thường Quân đã cúng dường một số tiền với mong muốn tôi sẽ xây dựng một nhà tình thương để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Tuy nhiên, tôi thấy việc làm này đã nhiều chùa và cơ sở xã hội làm rồi. Trong khi đó, tôi là một người từng học ngoại ngữ, tôi thấy rằng, trong thời buổi hội nhập này, việc sử dụng ngoại ngữ là vô cùng cần thiết, hữu ích. Nếu các em sinh viên sau khi ra trường có vốn kiến thức chuyên môn cộng với khả năng ngoại ngữ tốt thì sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho xã hội. Nhưng có một thực tế là nhiều học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Để có tiền đi học ngoại ngữ, với các em là khó thực hiện. Do đó tôi đã nghĩ ra việc mở những lớp học ngoại ngữ miễn phí cho các em”.

Để có được trung tâm ngoại ngữ miễn phí, ngoài việc kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp để xây dựng thêm nhiều lớp học, thầy Thích Nhuận Tâm còn lặn lội tới các trường đại học ở Sài Gòn, trình bày tâm huyết của mình để thỉnh mời các giảng viên ngoại ngữ tới giúp cho lớp học ở chùa Lá. Lúc đầu chỉ có một khóa Tiếng Anh với 30 sinh viên nghèo theo học thì nay trung tâm ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá đã có 80 lớp học, dạy 6 thứ tiếng gồm: Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Đức, Pháp, với khoảng hơn 2000 học viên theo học mỗi ngày. Các học viên tham gia học ngoại ngữ ở đây đến từ khắp nơi và đủ các độ tuổi từ bậc tiểu học tới những người già 60-70 tuổi, nhưng chủ yếu là sinh viên. Thông thường, cứ mỗi lớp học khoảng 2 giờ mỗi ngày, cứ thế các lớp học kế tiếp nhau từ khoảng 7h sáng tới 22h đêm.

Giúp đỡ người nghèo ngay cả khi mình còn nghèo

Hiện ngoài các giảng viên là người Việt Nam, nhiều người nước ngoài là thành viên của các tổ chức xã hội đã tìm tới chùa xin làm giảng viên dạy ngoại ngữ miễn phí. Thông thường, các giảng viên người nước ngoài này tham gia giảng dạy trong thời gian khoảng 1 khóa học (3 tháng) sau đó họ về nước và những người khác lại sang thay thế. Tuy nhiên, cũng có người thuê phòng trọ gần chùa để giảng dạy lâu dài. Hiện trung tâm có tới hơn 10 giảng viên đến từ nhiều nước trên thế giới.

Với số lượng lớp nhiều như hiện nay, sư thầy không có đủ số giảng viên dạy miễn phí mà một số vẫn phải trả phí. “Trong số 80 lớp của trung tâm thì có 40 lớp là giảng viên dạy miễn phí. Còn lại khoảng 40 lớp thì tôi phải trả lương cho các giảng viên. Mỗi tháng khoảng 1-1.5 triệu đồng để họ có tiền xăng xe đi lại. Ngoài ra, đối với một số giảng viên nước ngoài thì tôi phải thuê nhà trọ cho họ và lo cơm nước cho họ. Sau khi kết thúc mỗi khóa học, nhà chùa lại tổ chức cho các giảng viên và một số học viên đi du lịch để tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.”

Theo Thượng Tọa Thích Nhuận Tâm, kinh phí hoạt động của trung tâm ngoại ngữ chùa Lá do các Phật tử, thân hữu, các Mạnh Thường Quân đóng góp. Ngoài ra, thầy Thích Nhuận Tâm còn sưu tầm được rất nhiều đá phong thủy quý, đấu giá từ thiện cùng với tranh thư pháp của mình để lấy thêm kinh phí trả lương cho các giảng viên.

Theo thầy Nhuận Tâm, tuy là một trung tâm ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên nghèo, nhưng quy chế của chùa khá nghiêm ngặt, như đội ngũ giảng viên của chùa đều phải là những người có đủ kiến thức và nghiệp vụ giảng dạy để duy trì lớp học, và hơn hết, với mong muốn lớp sinh viên nghèo có tương lai, có việc làm, thầy Tâm đã “sáng tạo” ra nhiều cách để khích lệ việc học bằng cách tìm học bổng cho các học viên. Đồng thời cũng có những “kỷ cương” riêng của lớp học như: Cứ học đủ 3 khóa mà không vắng buổi nào sẽ nhận được học bổng của các nhà hảo tâm được thầy đi vận động,… Khẩu hiệu của quý thầy trò chùa Lá theo đuổi là: “Biển học vô bờ, chuyên cần là bến”.

Học xong khóa cơ bản, học viên có thể thông qua trung tâm việc làm của chùa để kiếm những công việc bán thời gian, kiếm tiền trang trải cho học phí ở đại học, bớt đi gánh nặng cho gia đình ở quê. Nhưng ngược lại, nếu học viên nào vắng học từ 3 buổi trong một khóa (khóa 3 tháng) thì cho nghỉ. Học viên nào có thái độ thiếu tôn trọng, không nghiêm túc trong giờ học lập tức thầy đích thân mời ra ngoài. Học viên đến lớp không chỉ đơn thuần được học ngoại ngữ mà còn được thầy Nhuận Tâm hướng dẫn viết thư pháp, hội họa, đồng thời xen kẽ các giờ học là những buổi nói chuyện với học viên về kỹ năng sống.

Với thầy Tâm, khi giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không phải khi nào mình có điều kiện mới giúp mà ngay cả khi mình “chưa đủ ấm” vẫn phải hy sinh để giúp người, đó là nghĩa phụng sự của những con người cửa Phật.

Nhiều người đến chùa Lá vào những năm đầu mới thành lập không chỉ xót thương nghẹn lòng vì ngôi chùa còn thiếu thốn đủ thứ, ngôi chùa bằng lá “trống trước hở sau”, mưa đến thì nước dột tứ bề. Trong một lần đến chùa thắp hương, nhà thơ Bảo Trì chứng kiến một cơn mưa nặng hạt đổ xuống, mọi người trong chùa phải thi nhau lấy thau hứng nước, lấy bạt che đống gạo mì đang chuẩn bị đi cứu trợ đồng bào nghèo miền Trung. Nhìn cảnh tượng đó, nhà thơ Bảo Trì phải thốt lên: “Lá dừa chưa đủ che mưa/Mà lòng thầy đã che vừa thương đau”.

Chính bằng cái tâm, cái đức của mình, thầy Tâm đã thu phục được lòng người, nhiều Mạnh Thường Quân đã tìm đến chùa phát tâm, cúng dường ngày càng nhiều, giờ đây, hằng năm chùa Lá vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến đi từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo, người dân gặp thiên tai ở khắp mọi miền tổ quốc. Mới đây, thầy vừa tổ chức thành công một buổi đấu giá từ thiện, thu được hơn 200 triệu đồng để đem giúp đỡ đồng bào Tây Bắc bị ảnh hưởng lũ lụt.

     (trích báo Đất Việt số 60 (500) CHUYỆN ĐỜI phát hành ngày 15.8.2018)

VÀI SUY NGHĨ VỀ VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM - Tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ

  • PDF.

              Văn học Phật giáo là một bộ phận cấu thành quan trọng của Văn học Việt Nam. Bộ phận này gắn với triết học Phật giáo và mỹ học Phật giáo nói chung, thiền học và mỹ học thiền nói riêng thường, tập trung phản ánh những vấn đề liên quan đến bản thể luận và giải thoát luận. Phật giáo Thiền tông quan niệm “Phật tính bình đẳng”; “Nhất chân pháp giới” thực tính bản thể của mọi chúng sinh bao gồm cả các loài hữu tình và vô tình đều không khác nhau. Truy thấu, ngộ nhập, sống trọn vẹn với con người thật, với chân tâm Phật tánh trong mỗi chúng sinh là mục tiêu lý tưởng cả cuộc đời của các văn sĩ Phật giáo. Đây chính là sự giải thoát với ý nghĩa cao nhất, tuyệt đối nhất, thoát ra ngoài mọi sự trói buộc. Sự nhất quán này thể hiện rõ trong hệ thống văn học Phật giáo, mà toàn bộ các tác phẩm thơ thiền thời Lý Trần là minh chứng xác thực.

Thật khó có thể tìm hiểu một cách rõ ràng một hiện tượng văn học nói chung, một tác phẩm văn học nói riêng mà bỏ qua việc tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật. Bởi vì văn học là nghệ thuật ngôn từ, mà ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học. Do đó, muốn khám phá một cách toàn diện bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ nào không thể không nghiên cứu nghiêm túc về phương diện ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm.

Với sự phát triển của các phương pháp nghiên cứu văn học như hiện nay, thì văn bản nghệ thuật trong tính chỉnh thể của nó là cơ sở khách quan quan trọng nhất để nghiên cứu tác phẩm, mà các qui tắc về ngôn ngữ là thứ trực tiếp và đầu tiên. Nghiên cứu tác phẩm văn học là phải hiểu rõ toàn bộ ngữ cảnh, mà ngữ cảnh trực tiếp nhất là các quy tắc ngôn ngữ của văn bản tác phẩm. Điều kiện cần để hiểu được ý nghĩa tác phẩm là phải hiểu rõ nghĩa của các từ, câu, đoạn và nghĩa của toàn bộ văn bản. Chính bản thân ngôn từ của tác phẩm là cái gợi lên mọi ấn tượng thẩm mỹ trong người đọc, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm văn học sinh ra từ ngôn từ. Vì vậy, nghiên cứu một cách nghiêm túc về một tác phẩm văn học là phải lấy văn bản ngôn từ làm cơ sở. Tác giả của tác phẩm cũng thông qua đường dẫn của văn bản ngôn từ đưa người đọc đến ý nghĩa thực sự của tác phẩm.

Ngôn từ là một yếu tố quan trọng trong sáu điều cốt yếu dùng để đánh giá đúng một tác phẩm văn học theo quan điểm của Lưu Hiệp trong tác phẩm lý luận văn học kinh điển của châu Á Văn tâm điêu long: “Một là xem tác phẩm chọn thể tài nào; hai là xem nó bố trí lời văn (ngôn từ); ba là xem nó tiếp thu những gì của người đi trước và sáng tạo những gì; bốn là xem phương pháp nó biểu hiện; năm là xem ý nghĩa các điển tích nó dùng; sáu là xem âm nhạc của nó. Nếu đã thực hiện các phương pháp này thì thấy được chỗ hay chỗ dở của tác phẩm”*.

Bản thân ngôn từ nghệ thuật mang trong mình kinh nghiệm, thể nghiệm, trải nghiệm của chủ thể sáng tác. Căn cứ trên văn bản ngôn từ, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều tầng ý nghĩa của tác phẩm chưa được phát hiện ra; chẳng những không bị ảnh hưởng bởi ấn tượng của những nhà nghiên cứu uy tín đi trước, mà còn phát hiện được những ý nghĩa mới nằm ngoài dụng tâm chủ quan của chính tác giả.

Một trong những đặc trưng khu biệt của văn học Phật giáo với những dòng văn học khác chính là ở cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật. Với quan niệm “ngôn ngữ đạo đoạn”, lời nói, ngôn từ hữu hạn ở đây không thể diễn tả trọn vẹn và đầy đủ cái chân lý vô cùng, thể hiện rõ nét quan điểm mỹ học phương Đông. Ngôn ngữ thông thường khó có thể diễn tả, thể hiện được trọn vẹn những thứ như: cái tĩnh mà động, thường mà biến, hư mà thật, một là tất cả, tất cả là một của vạn pháp. Ngôn ngữ văn học thiền Phật giáo được dùng đạt đến đỉnh điểm của   tính hàm súc. Mặc dù vậy, cái hiện ra qua bề mặt ngôn ngữ cũng chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi, phần chính yếu, ngôn ngữ không thể diễn tả hết được chẳng khác nào như chín phần còn chìm dưới mặt nước của tảng băng, ẩn tàng sau lớp từ ngữ. Cho nên ngôn ngữ của văn học thiền Phật giáo không có quá kỳ vọng diễn đạt một cách trọn vẹn đối tượng mình hướng đến mà cốt chỉ khơi gợi hướng tới chiếm lĩnh đối tượng.

Hơn nữa, các văn sĩ Phật giáo hiểu một cách thấu đáo rằng, từ ý tưởng phát sinh trong đầu, cho đến khi dùng nghệ thuật ngôn từ diễn đạt thành lời thơ, lời văn còn có một khoảng cách vô hình. Đối với những tác gia thiên tài, thì cái khoảng cách vô hình từ ý tưởng đến ngôn từ chỉ có thể tiệm tiến dần đến số không chứ hoàn toàn không thể xóa bỏ hẳn. Đó là chưa nói bản thân ngôn ngữ vốn không thể nào thể hiện được một cách trọn vẹn đối tượng, nếu miễn cưỡng thì có lẽ sẽ không bao giờ tiếp cận chân lý đích thực. Những tuyệt tác của thi ca phương Đông thường là những tác phẩm dường như chưa hoàn tất, chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn, chưa kết thúc. Chính điều này tạo nên sự lung linh mờ ảo, huyền bí có sức sống vô hạn, sức cuốn hút vô biên không thể cưỡng lại đối với người thưởng thức. Những tác phẩm ấy, không những khắc phục được sự nhàm chán, mà còn tạo được sức kích thích lớn lao của sự hấp dẫn trong việc khám phá được sự kì diệu và bí ẩn của thi ca. Đúng như cách nói của nhà Phật: Mỗi người uống nước sẽ tự cảm nhận được sự nóng lạnh của nó; Ai ăn sẽ tự cảm nhận được mùi vị của món ăn, dù có diễn tả hay cách mấy cũng không nói hết được.

Ngoài những nét chung của ngôn ngữ nghệ thuật phương Đông thời trung đại, ngôn ngữ nghệ thuật của các tác phẩm văn học Phật giáo thời kỳ này chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Tam giáo nói chung, triết học Phật giáo và mỹ học Phật giáo nói riêng, nhất là thiền học, nên được dùng đạt đến đỉnh điểm của tính hàm súc và gợi mở. Tính chất ý ở ngoài lời không thể chỉ hiểu theo nghĩa lời ít ý nhiều, có nhiều tầng ý nghĩa; đối tượng tiếp nhận có thể hiểu được theo cơ chế của sự liên tưởng, mà lắm khi vượt ra ngoài khuôn sáo ngữ nghĩa thông thường vốn có của ngôn ngữ. Nói như vậy nghĩa là thông điệp của tác giả phát ra khó có thể đạt tới bằng tư duy luận lý thông thường, mà phải dùng đến trực ngộ. Một trong những mục đích cứu cánh của các tác phẩm văn học thiền Phật giáo là dồn đối tượng tiếp nhận đến tuyệt lộ của tư duy lý tính, tạo nên một khối bế tắc, khối “nghi lớn”. Khối nghi lớn này là điều kiện cần, dẫn đến sự bùng vỡ, khai thông tiềm lực vô biên của trí tuệ, khiến độc giả lĩnh hội trực tiếp được thông điệp của tác giả một cách chính xác nhất.

Dưới nhãn quan của các tác giả, ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn học thiền Phật giáo được xem như một “pháp” bình đẳng với các “pháp khác”, vượt ra ngoài mọi qui ước về mặt ý nghĩa tạo nên một kiểu ngôn ngữ nghệ thuật mới: ngôn ngữ thiền, một loại siêu ngôn ngữ. Bước đột phá quan niệm nghệ thuật về ngôn ngữ này bổ túc cho sự bất toàn của ngôn ngữ trong việc phản ánh, biểu hiện, tái tạo hiện thực khách quan và nhất là chiều sâu vô tận của tâm hồn người, của con người thật trong con người, mà ngôn ngữ thông thường khó có thể thể hiện được, nếu không muốn nói là không thể hiện được.

Thứ siêu ngôn ngữ này không những khắc phục được những giới hạn tất yếu của ngôn ngữ nghệ thuật được sử dụng trong phạm vi ý nghĩa vốn có, mà còn mở rộng khả năng biểu hiện của ngôn ngữ đến mức tối đa, phát huy công năng của ngôn ngữ nghệ thuật đến vô giới hạn. Chỉ với siêu ngôn ngữ này mới có thể đáp ứng được được nhu cầu phản ánh biểu hiện sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, mà chiều sâu bí ẩn của tâm hồn người là mảnh đất màu mỡ nhất.

Tính phi luận lý của thiền ngữ kích thích mãnh liệt sự tò mò và lòng ham hiểu biết chân lý, đó là cách thức giải phóng, khai thông những tiềm lực to lớn vô biên ẩn tàng trong sâu thẳm ở mỗi con người. Tính chất ý ở ngoài lời, âm thanh ngoài dây đàn không thể chỉ hiểu theo nghĩa lời ít ý sâu, có nhiều tầng ý nghĩa để đối tượng tiếp nhận, có thể lĩnh hội theo cơ chế của sự liên tưởng mà là lắm khi còn vượt ra ngoài khuôn sáo ngữ nghĩa thông thường của ngôn ngữ.

 

Chúng ta cùng đọc một đoạn đối thoại giữa thiền sư và đồ đệ trong chương Ngộ thanh của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh:

Học trò thưa với thầy rằng: Lý không thể noi theo hết được, còn ham muốn có thể cắt đứt hết được không?

Thầy trả lời: Không cắt thì đứt, muốn cắt đứt thì không đứt. Nước chảy cuồn cuộn, chảy hoài sẽ cạn. Lửa cháy lốm đốm, dập thì cháy bùng lên.

Học trò thưa tiếp với thầy: Có nước gì không phải là nước không?

Thầy nói rằng: Nếu nước được xem là nước thì không phải nước thật.

T r ò lại hỏi: Có lửa gì k hông phải là lửa không?

Thầy đáp: Nếu lửa được xem là lửa thì đó là lửa giả. Nước thật thì nóng được, lửa thật thì lạnh được. Cho nên người nào có ham muốn thì không ham muốn, ai không có lòng ham muốn thì ham muốn

(Ngô Thì Nhậm, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh).

Nói cách khác, thông điệp thật sự mà thiền ngữ phát ra không thể nào cảm nhận trọn vẹn bằng tư duy luận lý thông thường mà chỉ có thể đạt tới bằng phương pháp Thiền trực hội. Như có người hỏi:

“Ngôn ngữ đạo đoạn là thế nào?”

Thiền sư Viên Chiếu đáp:

Giác hưởng tùy phong xuyên trúc đáo, Sơn nham đái nguyệt quá tường lai. (Tiếng sừng theo gió xuyên tre đến,

Vách núi mang trăng hiện vượt tường) (Viên Chiếu, Tham đồ hiển quyết).

Hai câu thơ đầy hình ảnh sinh động này nếu dùng tư duy lý tính, suy luận theo cầu trường liên tưởng thì sẽ dễ rơi vào suy diễn tư biện, không thể đạt đến thông điệp mà tác giả muốn thể hiện.

Đọc những tác phẩm văn học thiền Phật giáo, ta không phải chỉ đọc những gì ở ý nghĩa của ngôn ngữ thông thường mà là lĩnh hội trực tiếp thông điệp bằng cách “lấy tâm hội tâm”, bằng trực cảm, trực hội, không thông qua tư duy lý tính. Chỉ có như vậy mới có thể đọc được cách nói nghịch lý khác thường, phi luận lý, không thể thấy được trong cuộc sống:

Dục tri đoan đích ý, Thạch hổ giảo kim ngưu.

(Muốn biết nghĩa đích thật, Hổ đá cắn trâu vàng) (Tuệ Trung, Thị đồ đệ).

Để trả lời câu hỏi: Thế nào là bản ý? Thiền sư Viên Chiếu đáp bằng hai câu thơ tuyệt diệu:

Xu ân chức hoa như cẩm, Thu lai diệp tự hoàng. (Xuân dệt hoa như gấm, Thu về lá tự vàng) (Viên Chiếu, Tham đồ hiển quyết). Những câu thơ với hình ảnh tuyệt mỹ, giàu sức gợi cảm này mới nghe tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi đặt ra. Có biểu đạt với ngôn ngữ phi luận lý như trên thì mới đủ sức đập tan những cố chấp, vướng mắc của người học, nhằm khai thông trí tuệ chân thật của họ.

Một đặc trưng nữa của ngôn ngữ thơ thiền là vô ngôn. Để biểu lộ, hiển bày chân tâm trong sáng, u huyền, tịch diệu, không màu không mùi, không hình không dáng, không vuông không tròn, hoặc diễn tả trạng huống giác ngộ, bùng vỡ chân lý, giây phút thăng hoa trí tuệ không gì hơn là vô ngôn. Cùng với thiền ngữ (siêu ngôn ngữ), vô ngôn sẽ bổ túc thêm cho sự bất toàn, bất cập của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ nghệ thuật, dù được sử dụng tuyệt diệu đến đâu đi chăng nữa, cũng mang một ý nghĩa giới hạn nhất định nào đó, vô ngôn đưa nó đến cõi vô hạn.

Hãy lắng lòng cùng Trần Quang Triều hòa mình vào cảnh chiều hôm nơi ngôi chùa cổ trong bài Đề Gia Lâm tự :

… Xuân vãn hoa dung bạc, Lâm u thiền vận trường.

Vũ thu thiên nhất bích,

Trì tĩnh nguyệt phân lương. Khách khứ tăng vô ngữ, Tùng hoa mãn địa hương.

(Xuân chày hoa mỏng mảnh, Rừng vắng tiếng ve ngân. Mưa thu trời xanh biếc,

Áo lạnh hiện bóng trăng. Khách về tăng không nói, Hoa tùng ngát cả sân)

Lúc này, thật không một ngôn ngữ nào diễn tả hết được cái không gian trong sáng của cảnh. Cảnh vật thanh u, tĩnh lặng, không khí mát mẻ. Một sự thanh khiết vô biên tuyệt diệu của đất trời khiến cho con người thanh lọc hết mọi ưu tư phiền não, vướng mắc, để đạt tới sự yên bình, an lạc, thanh thản vô hạn.

Chúng tôi nghĩ rằng,“Thiền ngữ” và “vô ngôn” …là những đối tượng đặc biệt, là mảnh đất vô cùng màu mỡ, có sức hấp dẫn và lôi cuốn lạ kỳ, rất cần được giới nghiên cứu văn học, sáng tác văn học chú ý khai thác, sáng tạo hầu làm cho đời sống văn học Phật giáo nói riêng, văn học dân tộc nói chung càng thêm đa dạng, phong phú.

                        TS.THT                

---------------------------------------------------------------

Chú thích:

1. Lưu Hiệp (1999), Văn tâm điêu long, Nxb Văn học, Phan Ngọc dịch và chú thích, trang 273, 274.

Phật dạy không làm các việc xấu ác

  • PDF.

(PGVN) Một con người bạc nhược bị tha hóa bởi các độc tố đó, một đất nước sẽ bị suy đồi khi có nhiều người như vậy. Người phật tử may mắn hơn khi ý thức được lời dạy của Thế Tôn giúp chúng ta vượt qua cạm bẫy cuộc đời nhờ gìn giữ năm điều đạo đức, do đó sống có yêu thương và hiểu biết hơn. Người nào nghiện một trong ba thứ này sẽ tự hủy hoại chính mình, làm tổn hại gia đình và tha hóa xã hội.

Gia đình, nhà trường và xã hội luôn có mối liên quan mật thiết với nhau. Nếu muốn các em vào đời không bị sự vẩn đục của các cái xấu tác động thì cha mẹ cần phải quan tâm đến con em mình nhiều hơn, không thể giao đứt trách nhiệm cho nhà trường hay quy kết, đổ lỗi cho xã hội. Vấn nạn lớn trong thời đại phát triển hội nhập toàn cầu là con ma game độc hại, con nghiện ma túy, rượu chè be bét, cướp bóc, cờ bạc, mại dâm và lãng phí. Các tệ nạn xã hội trên làm cho nhân loại điêu đứng, điên đảo, si mê, sa ngã, ảnh hưởng, tác hại lớn đến đạo đức, nhân cách sống khiến con người bị tha hóa, gây thiệt hại lớn về con người, tài sản và tinh thần.

Phat Di Da

Đọc thêm...

Nạn giả sư & nỗi lòng tăng ni trẻ

  • PDF.

Hiện tượng giả dạng tu sĩ Phật giáo đi khất thực, xin ăn, kéo theo đó là các dịch vụ mê tín, bán bùa chú, xin xăm bói quẻ hiện nay tập trung tại các đền, chùa,... trong dịp lễ hội, ngày rằm để xin tiền bố thí của khách hành hương đã trở thành một vấn nạn nhức nhối, gây tổn thương đối với những người xuất gia chân chính - xuất phát bởi những lý tưởng cao đẹp!

Nan gia su

Người giả sư làm ăn trước chùa dịp Xuân Đinh Dậu (Ảnh: Vũ Giang)

Đọc thêm...

Mùa xuân và ước mơ của tuổi trẻ

  • PDF.

Còn chăng ước mơ tuổi trẻ?

Cứ mỗi mùa xuân đến người ta lại xao xuyến với bao xúc cảm dạt dào, người già mong sao mình còn khỏe mạnh để vui vầy bên con cháu, người trung niên hồi tưởng về những ngày niên thiếu, người trẻ hơn thì rộn ràng tâm tưởng với bao nhiêu dự phóng tương lai. Nói khác đi, mùa xuân gợi cho người ta những ao ước thành tựu các giấc mơ.

Mua xuan tuoi tre

Đọc thêm...

You are here Phật pháp Phật giáo và Đời sống