• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Thơm thảo tấm lòng chị Thảo

  • PDF.

(PGVN) Điều bắt gặp đầu tiên khi chúng tôi tìm đến ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, Tp.Cần Thơ là có rất nhiều hộ dân đang chăm chú gia công mặt hàng cầu đá bằng lông vịt với không khí lao động thật nhộn nhịp, khẩn trương.

Chị Nguyễn Thị Loan vui vẻ kể: "...gia đình tôi rất khó khăn vì không có đất sản xuất, từ khi nhận vật liệu của chị Thảo về gia công mặt hàng này, cuộc sống bớt vất vả và mình có thể vừa trông nom nhà cửa, chăm sóc con nhỏ lại vừa tranh thủ kiếm thêm tiền, mỗi ngày tôi có được từ 60 đến 70 nghìn đồng, công việc rất nhẹ nhàng, tôi rất mừng...".

Chi Thao

Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng người mang lại niềm vui và việc làm ổn định ấy suốt 8 năm qua trên ấp này là một người phụ nữ khuyết tật cả hai chân tên Nguyễn Thị Thảo đang ở tuổi 41.

Chị Thảo kể: hồi nhỏ do bị sốt bại liệt nên chị đi lại rất khó khăn. Không bằng lòng với sự bất hạnh đó, chị đã đăng ký học nghề làm trái cầu bằng lông gà, vịt tại cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Tp.Cần Thơ. Năm 2007, chị thuê mặt bằng và mở cơ sở gia công mặt hàng này tại Tp.Cần Thơ. Năm 2009, phát hiện nhiều phụ nữ tại quê mình (xã Tân Thới, huyện Phong Điền) thường xuyên thiếu việc làm, chị đã quyết định chuyển cơ sở sản xuất của mình về ấp Tân Long A.

Chị Thảo cho biết: "...mở cơ sở ở quê, tôi muốn tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, nhất là chi em phụ nữ nghèo, lớn tuổi, trình độ hạn hẹp khó xin việc tại các công ty, xí nghiệp, tuy thu nhập chưa nhiều nhưng phần nào đã giúp nhiều gia đình thoát cơn khốn khó...".

Hiện cơ sở gia công của chị có từ 7 đến 8 lao động tại chỗ, hàng chục lao động khác nhận nguyên liệu về sản xuất tại nhà. Thị trường tiêu thụ lớn nhất hiện nay là Tp.Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long và một số tỉnh khác. Vật liệu chính để sản xuất là lông vịt Xiêm, mỗi trái cầu có 4 cọng lông vịt; nguồn lông này chị Thảo đã đặt mua tận các xí nghiệp ở Long An do ở đó chất lượng lông rất đảm bảo. Nguyên liệu làm đế cầu chị mua từ các vỏ chai nhựa có độ dầy tại các cơ sở phế liệu sau đó dùng máy ép để cho ra những tấm "ron" mắc vào cạnh đế cầu để bắt mắt và tăng độ nặng theo yêu cầu. Lông vịt sau khi làm sạch, cắt gọn và may vào đế cầu, sau đó bỏ các ron vào là thành sản phẩm.

Chị Thảo nói thêm: hiện nay các lao động đến đây học nghề đều được miễn phí, thời gian học từ 2 đến 3 ngày là thành thạo. Mỗi người có thể làm được khoảng 300 đến 350 trái cầu bán thành phẩm gồm: cắt xén, vô lông, may đế, mỗi sản phẩm được trả 200 đồng/trái, bình quân mỗi người được trả từ 60 đến 70.000 đồng/ngày với thời gian lao động từ 4 đến 5 giờ tại nhà riêng. Số tiền tuy ít nhưng thuận lợi cho nhiều lao động nông nhàn, không có việc làm, gia đình có nhiều người, hay học sinh, trẻ em đều có thể tham gia công việc này.

Hiện nay tại ấp Tân Long A chỉ sản xuất 2 loại cầu có kích thước và giá bán khác nhau. Loại cầu lớn có giá bán 3.500 đồng/trái; loại nhỏ 2.800 đồng/trái. Hiện nay mỗi tháng cơ sở gia công của chị Thảo cung cấp cho thị trường từ 5.000 đến 7.000 sản phẩm tùy thuộc thời vụ, cao điểm nhất là từ tháng 8 đến tháng 5 của năm sau bởi cầu lông vịt chỉ thịnh hành trong các đơn vị trường học (mùa hè thì sức mua giảm sút từ 30 đến 40%).

Chị Nguyễn Thị Thảo bày tỏ nguyện vọng: "...tôi rất mong được vay vốn nhà nước để mở rộng qui mô sản xuất, có thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương...".

Chúng tôi thật trân trọng và xúc động về nguyện vọng của chị, một người phụ nữ khuyết tật nhưng đã biết vượt qua bất hạnh, lạc quan trong cuộc sống, tạo được nguồn kinh tế cho bản thân lại vừa tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người lao động nghèo nông thôn.

Phan Thị Anh Thư

Nguồn: http://phatgiao.org.vn/song-dep/201703/Thom-thao-tam-long-chi-Thao-26049/

You are here Từ thiện Từ thiện - Sống đẹp Thơm thảo tấm lòng chị Thảo