• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Bóng Thầy xưa

  • PDF.

Bong Thay xua

Kính dâng giác linh thầy Thích Từ Ý

Năm tôi lên tám, má tôi dẫn tôi lên chùa Hòa An ở Tam Kỳ, một thị xã nhỏ ở tỉnh Quảng Tín (nay là Quảng Nam) để làm lễ quy y. Vị Tăng trụ trì chùa lúc đó là Đại đức Thích Từ Ý. Tôi là Chiến, thầy ban cho tôi chữ Hòa; và tôi có pháp danh là Nguyên Hòa từ đó. Khi quỳ lạy làm lễ, tôi thấy dáng vị sư trụ trì hiền từ như pho tượng phật đặt nơi chánh điện với khói hương huyền ảo. Lúc đó, đều gây ấn tượng sâu đậm lên tâm hồn trẻ thơ của tôi không phải là ngôi chùa với chánh điện rộng mênh mông mà là hình ảnh của vị sư trụ trì.

Vào ngày rằm, tôi vẫn thường theo má tôi lên chùa làm lễ. Tôi rất thích nghe tiếng thầy tụng kinh. Nó không ngân nga, trầm bổng, chỉ nho nhỏ đều đều nhưng lại có sức quyến rũ lạ lung, khiến người nghe thấy lòng lâng lâng thanh thản, chỉ muốn thí phát quy y! Từ đó, tôi tin rằng chỉ cần lắng nghe tiếng tụng kinh, ta cũng có thể cảm nhận được phần nào sở đắc của những tu sĩ trong chốn thiền môn. Chính hình ảnh hiền từ đôn hậu của thầy đã khiến tôi khao khát tìm hiểu đạo Phật. Đến năm đệ lục (lớp 7 bây giờ), tôi phát nguyện ăn chay trường suốt hai năm trời và cặm cụi học thêm chữ Hán với một mục đích duy nhất: cố gắng đọc cho được kinh Phật!

Lớn lên, tôi phải bỏ con phố cũ mà đi. Mỗi lần về thăm quê, tôi thường lên chùa thăm thầy. Chính nhờ hình ảnh của thầy mà ngôi chùa cũ đối với tôi mang nhiều vẻ thân thương pha lẫn đôi chút huyền bí. Tôi cho rằng một ngôi chùa trở thành linh thiêng trong lòng người không phải ở bề dày lịch sử hay qui mô cùng vị trí kiến trúc mà do ở vị trụ trì chùa là bậc cao tăng thạc đức. Cũng như núi đẹp là nhờ mây, song linh là nhờ có giao long, thủy quái, rừng thâm u quyến rũ là nhờ có dị sĩ, cao nhân. Tôi về thăm chùa mà cứ ngỡ như mình là đứa con về thăm lại mái nhà xưa sau những tháng năm lang bạt kỳ hồ. Nhà chùa có bộ bàn uống trà rất đẹp, và mọi tín đồ đến lễ chùa đều được thấy tiếp ở đó. Từ ông thương gia danh giá đến cúng dường cho chùa với tư thái bệ vệ, cho đến anh phu xe rụt rè đến lễ Phật bằng một nải chuối còn xanh. Nhiều lần tôi ngồi nhìn, thấy thầy luôn tiếp khách với một tư thái như nhau, với một nụ cười ôn nhu trên gương mặt hiền từ đôn hậu mà tôi chưa hề thấy nơi bất kỳ một vị tu sĩ nào, kể cả những vị danh tăng mà tôi từng có duyên gặp gỡ.

Thầy chưa bao giờ nói chuyện với tôi về Phật pháp, nên tôi không biết quan điểm của thầy về giáo lý ra sao, nhưng trong thâm tâm tôi tin chắc rằng thầy có những sở đắc cực k2 thâm sâu về Phật pháp. Bằng chứng là mỗi khi có dịp ngồi nói chuyện với thầy, dù chỉ là những chuyện thăm hỏi ngày thường trong cuộc sống, nhưng tôi luôn thấy trong lòng bình yên thanh thản đến lạ lung, như khi đọc những trang kinh Phật. Mỗi khi cầm bàn tay thầy chào ra về, trong tôi luôn tràn ngập cảm giác của sự thương yêu, như khi tôi cầm bàn tay của mẹ. Sau này khi học hỏi trong kinh sách, tôi cho rằng đó chính là một dạng năng lực kỳ diệu của vô úy thí, mà rất ít người có được.

Tôi thường nghe mọi người, Tăng cũng như tục, đều gọi thầy là Thượngtọa hay Hòa thượng với thái độ cực kỳ cung kính. Thâm chí má tôi chỉ dám gọi thầy là Hòa thượng Hòa An! Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích gọi thầy bằng chữ "Thầy" bình dị ngày trước, như khi tôi còn bé. Má tôi cũng thường la rầy tôi về việc này. Suốt đời, tôi vẫn luôn xem thầy là vị thầy bổn sư của mình, như khi tôi còn là cậu bé quỳ giữa chánh điện để thầy làm lễ quy y, mà hoàn toàn không quan tâm đến hàng giáo phẩm. Với thầy, tôi chưa thấy danh từ nào thân thương hơn chữ "Thầy" bình dị đó. Tôi thấy danh xưng Thượng tọa Thích Từ Ý hay Hòa thượng Thích Từ Ý không thân thương gần gũi bằng danh xưng đơn giản: Thầy Từ Ý. Đối với tôi, nó bao hàm sự tôn kính của một đệ tử tục gia đối với vị bổ sư, lại vừa có sự thương yêu trân trọng của một người con đối với cha.

Có lần đến thăm một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Q.N, khi chứng kiến vị tu sĩ trụ trì sa sầm nét mặt chỉ vì nghe một khách đàn việt xưng hô với vị này là "Bạch thầy" thay vì "Bạch Hòa thượng" như những người khác, tôi phải lánh đi chỗ khác để khỏi phạm một điều khiếm nhã là phá lên cười. Tại sao đã là người xuất gia, lẽ ra phải thấy "tứ đại giai không", và "chiếu ngũ uẩn giai không", phải thấy vạn sự là "bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh" bằng cái tâm bình đẳng, chứ sao lại còn sân si với danh từ đến vậy? Một tư cách xoàng xĩnh như thế mà muốn làm đạo sư để dẫn dắt chúng sinh thì quả là điều hài hước hết chỗ nói.

Khoảng đầu năm 1990, sau khi đến tụng kinh để an vị Phật cho gia đình tôi thì ngã bệnh, phải nằm dưỡng bệnh ở chùa cho đến ngày viên tịch. Tôi có một người bạn vog niên đáng kính nguyên là Giám đốc Bệnh viện Tam Kỳ, nay đã mất. Khi ba anh qua đời vào khoảng năm 1986, anh là đảng viên nên lung túng không biết làm lễ tang thế nào, vì khi còn sống, ông cụ muốn có được tiếng ụtng kinh trong ngày mất, mà anh lại e ngại "mất quan điểm chính trị". Tôi bèn mời thầy đến nhà làm lễ. Thầy tiến hành nghi lễ sang trọng nhưng rất đơn giản, bằng ly nước lạnh múc từ giếng và những cành hoa vạn thọ có sẵn trong vườn. Sau lễ tang, anh bảo tôi: "Anh không cảm nhận được tôn giáo giáo có ý nghĩa gì. Nhưng nếu tôn giáo nào đào tạo ra được những tu sĩ có nhân cách như thế này thì tôn giáo đó vẫn có những điểm tuyệt vời". Trong những ngày thầy nằm bệnh, vị bác sĩ Gíam đốc đó thương xuyên đến tận chùa để thăm hỏi và chăm sóc cho thầy, với thái độ tận tình và trân trọng. Sauk hi anh đoản mệnh ở tuổi 55, vì những căn bệnh anh mắc phải khi còn ở chiến trường, bài vị anh được đưa vào chùa theo tâm nguyện. Tôi xem anh là người trí thức chân chính biết vượt qua những định kiến để sống thực với mình. Tôi vẫn tin rằng anh đã gặp lại thầy ở một cõi khác, nơi mà mọi nghi kỵ hận thù do vô minh và định kiến của con người đều tan biến trong lòng bao dung nhân hậu.

Thầy mất ngày 9.9.1990. Tôi nghe nói thầy thọ 72 tuổi. Ngày thầy mất là một sự kiện gây chấn động ở quê tôi. Linh cữu thầy quàn tại chùa Hòa An. Thoạt đầu, mỗi tín đồ đến làm lễ đều được phát cho một miếng băng tang màu vàng đeo trên tay áo. Qua các ngày sau, do số tín đồ bốn phương về làm lễ đông quá nên mỗi người chỉ còn đước phát một miếng băng tay bằng ngón tay cái để đeo trước ngực. Số lượng vải màu vàng dùng làm băng tang không còn đủ, dù đã huy động tất cả các hiệu vải trong thị xã. Số rau cải trong hai ngôi chợ chính của thị xã cũng không đủ cung cấp cho số lượng người đến chùa trong các ngày tang lễ, nên các Phật tử phải dùng xe tải chở thêm rau quả từ Hội An, Đà Nẵng vào và từ Quảng Ngãi ra.

Kinh cữu thầy được đưa vào an tang trong ngôi tháp của chùa Từ Quang, cách chùa Hòa An khoảng 6 cây số. Khi linh cữu đã đến tháp mà đoàn người vẫn chưa ra hết khỏi chùa Hòa An, cũng đủ hình dung được số lượng người đi đưa tang đông như thế nào. Dọc đường đi, người dân hai bên đường tự nguyện nấu nước để cung cấp cho đoàn người đưa tang, kể cả tín đồ Cao Đài, Tin Lành và Thiên Chúa giáo...

Tôi không theo được xe đưa linh cữu để đưa thầy đến tận tháp, vì không thể chen nỗi vào đoàn người quá đông. Tôi chỉ một mình đến viếng tháp thầy vào những ngày hôm sau. Tôi chỉ thấy buồn mà không thấy đau đớn khi thầy mất, vì những giây phút gần thầy đã giúp tôi vượt qua những tình cảm đó. Tôi nhớ đế câu thơ của thi hào Tô Đông Pha làm tặng bạn mình là Đỗ Bá Thăng. Đỗ Bá Thăng là người Thành Đô đời Tống, sau khi đỗ tiến sĩ, ông bèn xuất gia thành một vị du tăng. Câu thơ Tô Đông Ba như sau:"Phiêu nhiên vân thủy nhất chân tăng". Một vị tăng chân chính phiêu diêu nhẹ nhàng như mây nước. Với tôi, Thầy Từ Ý cũng đúng như hình ảnh của vị chân tăng đó. Tôi cảm hứng làm một bài thơ trước tháp thầy. Tôi đã đốt bài thơ đó trước ngôi tháp nhân ngày tiểu tường của thầy. Hôm nay, tôi xin phép chép bài thơ ra đây, để đọc giả chia sẽ những tình cảm của tôi về vị thầy đáng kính.

Thất thập nhị niên lưu diệu đức
Phiêu nhiên vân thủy nhất chân tăng
Hữu uy thiền định nhân thần kính
Vô lượng từ tâm thiên địa văn
Đản khủng thế gian già tuệ nhật
Hựu kinh Phật điện một linh đăng
Từ quang thảo mộc giai hàm lệ
Đối mộ không hoài cựu tiếu dung.
Huỳnh Ngọc Chiến
(Tạp chí Văn hóa Phật giáo)

Nguồn: http://tapchivanhoaphatgiao.com/blog/tuy-but/bong-thay-xua.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

You are here Hiểu biết Bóng Thầy xưa