• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Cứu trợ xã hội từ một góc nhìn

  • PDF.

Tôi không phải là một nhà nghiên cứu, càng không phải là lãnh đạo địa phương nào, nhưng nhiều năm dài tôi đã chứng kiến công tác cứu trợ xã hội ở một vài nơi, nên có những băn khoăn trăn trở.

Khi chưa được phép tổ chức rộng mạnh phong trào cứu trợ xã hội, thì địa phương tôi thỉnh thoảng mới tiếp nhận được một đoàn, đến giúp những người nghèo khi là gạo hoặc tiền. Lúc ấy, người cho cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng bởi đối tượng đến nhận họ đều biểu lộ cảm xúc theo nhiều cách khác nhau, có người quá kham khổ bằng sức lao động mấy ngày chưa được nửa phần quà như vậy, họ mừng với nụ cười vui vẻ trên môi, có người bị bệnh không thể kiếm sống nhận món quà mà nước mắt rưng rưng.

Chính những hình ảnh đó, đã khiến cho tôi phải suy nghĩ và đặt cho mình một phương châm thực hiện công tác xã hội từ thiện.

Tôi bắt đầu viết ghi nhận, mẩu chuyện, rồi phóng sự về những đối tượng thật sự khó khăn, để kêu gọi mọi người cùng đến với họ.

Vì trước đây là thành viên của các Ban chăm sóc trẻ em, người già neo đơn và người tàn tật, thế cho nên tôi đã có rất nhiều cơ hội tiếp cận, tìm hiểu ở những vùng nông thôn sâu, cách xa mấy mươi cây số, có những nơi phải băng qua kênh mương mới đến nhà đối tượng, có nơi xe máy không chạy được thì lội bộ mấy cây số, để khảo sát thực tế, khi chọn cấp cây nước, nhà ở hay phát phiếu nhận quà.

Từ bài viết của tôi, các nhà hảo tâm đã tìm đến và lựa chọn chính xác những đối tượng để trợ giúp. Sau đó, thì các phóng viên của các trang báo khác viết, mà với những đề tài và cái tít thật thu hút.

Chuyen di tu thien

Một chuyến đi làm từ thiện về vùng quê

Với hai từ Làng mù

Mặc dầu, nơi đây người mù sống rải rác và họ bị mù do nhiều nguyên nhân, chứ không nhất thiết là củ hành làm nên và người mù không sống tập trung một nơi đông đúc.

Đối tượng

Từ đó, đời sống người mù đã khởi sắc, trước đây họ là gánh nặng cho gia đình, họ mặc cảm với mọi người thì nay, qua những tấm lòng hảo tâm họ đã trở thành nhân vật quan trọng, là nguồn thu nhập đáng kể cho người thân. Được như vậy là điều tốt, tuy nhiên hệ lụy kéo theo là những người có sức lao động trong gia đình không hề chí thú làm ăn, họ chỉ trông chờ vào sự trợ giúp.

Ngồi chờ có điện thoại của chùa thì đi nhận quà, có tuần hai lần trong những tháng đầu năm, tháng 7 mùa Vu Lan và cuối năm thì lên đến 5 hoặc 7 lần, cá biệt có số ít người một tháng nhận đến 15 lần. Điều đó, cũng góp phần làm giảm gánh nặng cho nhà nước trong vấn đề giải quyết an sinh xã hội. Nhưng rồi mấy năm gần đây, tình trạng gia đình người mù có tiền cho những người bệnh tật, nghèo khổ vay, những người này không nằm trong danh sách của các chùa chiền, như vậy có phải đồng tiền của những tổ chức cá nhân làm việc thiện, trở thành tiếp sức cho tệ nạn vay nặng lãi không?

Bây giờ, nếu có đoàn đến làm từ thiện, thử một lần trắc nghiệm về lòng từ bi của mình xem hiệu quả đi về đâu? Những năm trước, một bộ đồ cũ kỹ người ta vẫn vui vẻ đón nhận và mặc nó, ngày nay họ nhận nhưng không đem về nhà, mà bỏ rải rác ngoài ruộng rẫy, bởi sự trợ giúp đã quá thừa.

Nhìn cảnh đó, mới thấy xót cho những vùng cao xa xôi, tôi biết và tỉnh Ninh Thuận tôi đã đi qua, dự kiến 500 phần quà, mà họ đến gần 1000 người, chia hai số quà và cuối cùng có người chỉ nhận được hộp sữa, ổ bánh mì mà họ vô cùng quý... Minh chứng như thế để nói rằng những đối tượng kia đâu biết rằng, trong số những người đi quyên góp quà, quần áo, đã cất công giặt, bỏ nước xả cho thơm xếp thẳng cho vào túi nilong để mong đem đến sự ấm áp cho người dân nghèo, đâu ngờ lại bị vứt đi như vậy? Trong khi những người không có danh sách nhận quà, lại rất cần sự giúp đỡ.

Đoàn nào đến, cũng đòi hỏi phải người mù mới phát quà, thế là cứ một ngày có bao nhiêu đoàn đến thì bấy nhiêu người mù vô ra hết lần này, đến lần khác để nhận. Cho nên người khuyết tật, bệnh tật, nghèo khổ thì đành chịu thiếu thốn. Đoàn nào cũng tin là chùa chiền thì không bao giờ làm sai.

Cho nên, ở mỗi ngôi chùa hình thành một nhóm người phụ giúp, họ là những người đến làm công quả, là người in ấn và phát hành phiếu quà. Những người này, trong tay có một lực lượng cộng tác viên hùng hậu đó là những chủ chạy xe ôm, nắm hết số điện thoại người mù, ai biết điều thì họ gọi nhiều lần, không thì thỉnh thoảng, thế nên có những đối tượng phần quà được 200 nghìn đồng thì chia gần phân nữa cho họ. Những người già cả thì nói rằng: - Có còn hơn không.

Cảnh và cách phát quà....

Họ đành chấp nhận như vậy và tình trạng tiêu cực đó kéo dài, chưa có sự can thiệp, bởi việc làm liên quan đến chùa không dám nói, nói thì sợ mang tội, sợ bị cho là tạo khẩu nghiệp, có khi sẽ bị mất phần cứu trợ. Vì thế mà có người thu nhập một ngày gần 1 triệu đồng, khi chuyên chở những người đến chùa nhận quà. Bởi một chuyến xe đi về khoảng 30 km số tiền từ 30 đến 50 nghìn đồng, nhưng những ngày nhận quà là 80 đến 100 nghìn đồng.

Có đoàn không cung cấp thông tin để đưa trên các phương tiện đại chúng, vì sợ mất phước. Có nơi cho không đúng thì nói rằng: - Ai tham thì tội, nhận cho nhiều để kiếp sau trả mới biết.

Theo tôi, không nên buông xuôi kiểu đó, mà phải hướng cho mọi người biết được điều nên và không nên.

Có những người khéo léo lợi dụng lòng tin của trụ trì, chỉ biết số ít đối tượng nhưng tham lam, nhận nhiều phiếu để rồi phát cho những người thân quen và không phải là người mù, người khuyết tật, có khi hết buổi vẫn còn thừa quà, do phát phiếu không kịp.

Đoàn Phật giáo Hòa hảo, đã chứng kiến 1 lần phát 400 phần quà tại một tịnh xá. Thông thường trước ngày phát quà là phải phát cho hết số phiếu theo danh sách, nhưng đằng nầy, ngay trong ngày phát một người mặc áo lam, chạy vô chạy ra liên hồi, để chuyền những tấm phiếu ra ngoài, nên có người lãnh 2, 3 phiếu, khiến trong đoàn phát hiện, không hiểu sao việc làm nầy sư trụ trì vẫn tin tưởng và giao trách nhiệm phát phiếu cho con người như thế trong những lần kế tiếp.

Có người vì sự đóng góp với chùa chiền khá nhiều, nên thay mặt trụ trì mà thực hiện việc tổ chức và phát phiếu theo cảm tính. Làm cho vai trò trụ trì ảnh hưởng đến suy nghĩ trong con mắt của các phật tử. Thiết nghĩ để giữ cho tiếng thơm nơi cửa thiền, thì tình trạng nầy cần phải được chấn chỉnh. Để cho việc bố thí được thanh tịnh như lời Đức Phật đã dạy.

Về phía địa phương, Ban nhân dân hay những người phụ trách an ninh trật tự, luôn luôn có một sợi dây kết nối cùng người phát phiếu trong chùa, để được nhận ít nhất là một phần quà.

Ngược - xuôi cách làm từ thiện....

Còn nơi tiếp nhận, có khi lưu lại vài phần hoặc vài chục phần để dành cho những người thân hoặc với danh nghĩa cho một điểm từ thiện nào đó, khiến các đoàn không an tâm tin tưởng. Chưa kể khi các đoàn nhờ một tổ chức nhân đạo đặt hàng ở địa phương trước, bởi vì muốn giảm bớt chi phí và đưa giá trị phần quà lên cao.

Tại nơi đây, tổ chức đó nhờ đến một cửa hàng kê hóa đơn 65 nghìn đồng/thùng mì, lên 70 nghìn đồng, khiến người bán hàng tỏ vẻ khó chịu và nói rằng :

- Tui bán lời chỉ 2.000 đồng/thùng mà bắt kê lên tới 5.000 đồng, thiệt tình là lần sau tui không dám bán nữa, cứ như vậy hoài mang tội thêm, tui không tham lời kiểu đó.

Rõ ràng ngoài xã hội, cũng có nhiều người nhận thức được giáo lý nhà Phật, họ vẫn biết để mà giảm bớt những hậu quả từ nghề nghiệp đem đến.

Có cơ sở thờ tự đến đại lý gạo cắt giá 6.800 đồng/ký, nhưng đưa về kho đợi đến những ngày có đoàn đăng ký rồi tính theo thời giá, có khi là 7.500 hoặc 8.000 đồng. Chủ đại lý gạo cho biết

- Mình bán số lượng lớn, 1 kg gạo lời không hơn 500 đồng, mà ở đó tính toán chi ly quá, có khi còn trả giá thấp hơn nữa, để lời nhiều.

Như vậy, đến chùa mà vẫn kinh doanh.

Còn về đoàn cứu trợ, có đoàn đi bốn người phát 1.000 phần, nhưng rất khó khăn kiểu cách nói chuyện với người có trách nhiệm theo dõi từ sự phân công của chính quyền, để bảo vệ trật tự an ninh, giống như là nói với một người đang lừa dối điều gì đó.

- Khi tui đi Cà Mau, phát hiện có người của chính quyền địa phương và có sai sót về đối tượng là tui không trở lại nữa.

Khiến cho nhiều người lầm tưởng, chính quyền địa phương nơi nào cũng có người xấu.

Cũng có người mạnh dạn nói rằng:

- Chùa cho sao cũng được, miễn có người để phát quà là tốt.

Có đoàn chuẩn bị xuống thì báo phải lo cơm nước cho mấy trăm con người, nhưng phát quà không đến 200 phần.

Tất cả những điều trên, cũng nói lên mục đích của từ thiện

Có nên thay đổi cách cho?

Mỗi người một góc nhìn khác nhau, tuy nhiên đối với tôi, nên chăng những tấm lòng thơm thảo của quý liên hữu đến lúc cần thay đổi.

Khi nào cứu trợ khẩn cấp thì ta phát quà tập trung, còn thường thì cần chọn lọc đối tượng bức xúc để hỗ trợ giúp họ có nhà ở, tiện nghi sinh hoạt, có việc làm ổn định, như Kinh Tăng Nhất A Hàm

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo rằng: "Thí cho đúng lúc thì có 5 thời điểm:

1. Cho kẻ từ xa mới tới,
2. Cho kẻ sắp đi xa,
3. Cho kẻ tật bệnh,
4. Cho lúc mất mùa đói kém,
5. Cơm mới hay quả mới chín, trước phải cúng cho người tinh tấn trì giới, sau mình mới dùng.

Thật ra, vẫn còn nhiều nơi đang cần sự trợ giúp thế nhưng chưa ai biết và đối tượng của các đoàn luôn phải là mù và dễ hơn chút nữa là khuyết tật, như thế thì những người bị tai biến nằm một chỗ, hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trở thành gánh nặng, những trường hợp bệnh tật nghèo khổ không khả năng trị bệnh, cũng như không tìm kiếm được cái ăn trong thời điểm đó, họ không thể tiếp cận được với chương trình trợ giúp.

Thiết nghĩ khi bố thí cho người cần, sẽ luôn luôn có lợi ích hơn bố thí chưa đúng cách. Phạm vi bài viết nầy, nhằm phân tích một vài mặt còn chưa phù hợp ở người cho và người nhận.

Mong sao khi chúng ta thực hành bố thí hãy theo lời dạy sau: Đức Phật dạy pháp bố thí, để dẹp bớt, để dứt trừ lòng tham lam, ích kỷ, đòi hỏi, bỏn sẻn, keo kiệt, bần tiện của con người. Hạnh bố thí gồm có ba thứ: tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Đó là nền tảng để chúng ta sống tốt hơn, thể hiện đúng hơn tâm bồ đề trên thế gian nầy.

Thiện Tâm
(Theo GHPGVN)

>>> Xem tin gốc


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

You are here Từ thiện Từ thiện - Sống đẹp Cứu trợ xã hội từ một góc nhìn