• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Tập thơ Sen nở trời Tây

  • PDF.
Hoa_sen_4

SEN NỞ TRỜI TÂY

                                             Đại đức Thích Nhuận Hoài
                                             (Thi sĩ Hàn Cung Thương)
Nhuan_Hoai_1

Giao từ

Bằng lời quê chắp nhặt tâm tình hòa trôi giữa đời người, giữa những tấm lòng tương giao đồng cảm trong tình thơ, tình đạo.

Chùa Lá - Gò Vấp thực hiện đặc san Sen nở trời Tây. Tưởng niệm tuần chung thất ngày mất thi sĩ Hàn Cung Thương tức Đại Đức Thích Nhuận Hoài (01.10.2012 – 18.11.2012).

Ban biên tập chùa Lá – Gò Vấp trân trọng giới thiệu Sen nở trời Tây đến quý Chư Tăng Ni, Phật tử, gia đình, bằng hữu, thi hữu. Đặc san ghi dấu những bước chân tình tự, những âm vang trên con đường thơ và đạo của thi sĩ.

Đạo tràng chùa Lá – Gò Vấp chân thành tri ân các đạo hữu gần xa, các tác giả đã tham gia bài vở đóng góp ý kiến xây dựng, cùng nhau gửi một tâm tình hòa quyện vào đặc sang như sợi khói hương trầm bay lên tưởng niệm cố Đại đức Thích Nhuận Hoài.

Kính bút
Đạo tràng và anh em văn nghệ sĩ
chùa Lá – Gò Vấp thực hiện

 

Thi sĩ, Tu sĩ Hàn Cung Thương đã qua đời!

Nhà thơ Hàn Cung Thương đã qua đời vào lúc 21h ngày 1 tháng 10 năm 2012 tại chùa Đức Sơn (Hắc Dịch, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), hưởng thọ 61 tuổi. Tang lễ được tổ chức tại chùa với nghi lễ dành cho một tu sĩ Phật giáo. Chiều tối ngày 3 tháng 10 buổi tưởng niệm của ông đã diễn ra trang trọng và ấm cúng. Với sự có mặt của gia đình, đồng đạo cùng nhiều bạn bè, thân hữu văn nghệ tại địa phương như các nhà thơ Lê Giao Văn, Lương Túy Vân, Trụ Công Vũ, từ Sài Gòn ra như: nhà thơ Bích Nhãn Hồ, Triều Nguyên, Từ Chinh Âm, Tạ Văn, Đoàn Hoàng, Ngã Du Tử, Đông Nguyên, nhà thư pháp Bùi Hiến, họa sĩ Nguyễn Hữu Nam...

Ông tên thật là Nguyễn Đình Cung Thương, quê quán Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam.

Ông từng cộng tác thơ cho các báo, tạp chí của miền Nam trước 1975 với bút hiệu Hàn Cung Thương, Hạ Thương... Sau 1975, ông rời quê hương vào lập nghiệp tại xã Hắc Dịch, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù cuộc sống mưu sinh có nhiều khốn khó nhưng ông vẫn dành thời gian cho thơ ca. Năm 2003, gặp duyên ông quyết định xuất gia thành một tu sĩ Phật giáo có Pháp danh là Nhuận Hoài. Cuối năm 2008 được sự hỗ trợ của bạn bè, ông tuyển chọn một số bài thơ tiêu biểu trong cuộc đời sáng tác của mình rồi tự xuất bản tập thơ lấy tên "Từ độ trăng tàn".

Trần Huệ Hiền

 

Sen nở trời Tây

"Từ độ trăng tàn" trên lộ trình thăng trầm còn mất giữa cuộc tàn phai. Nắng triêu dương khơi mở lối về. Từ mê lộ qua trùng quang không lộ, quẳng phù vân, quảy dép về Tây.

Người đi núi đứng sững sờ
Chở mây trong gió, chở đò sang sông
Quẳng phiền não qua phố đông
Bước chân nhẹ nhõm cõi không đi về

Sống mãnh liệt từ tâm phụng hiến, quên thân mình vui hạnh phúc tha nhân, từng tiếng mõ sớm hôm vang cùng khắp, thức tỉnh nhân sinh hiện thân từng hơi thở. Hóa thành thi kệ, cho cuộc đời trì tụng đến mai sau.

Dắt trùng khơi về chơi đồi cao lũng thấp, vắt mây qua phố cười chớp bể mưa giông, thắp nhật nguyệt xuyên truông ngàn về trùng ngộ "Từ độ trăng tàn" chắp cánh bể dâu, những vì sao lung linh thắp nến nguyện cầu, sinh với diệt hội tụ về chung lộ, vô phân biệt Ngã, Nhân, bỉ, thử; từ vô chung đến vô thỉ rạng ngời. Biển xanh quên hết vui buồn, núi cao quên những đèo truông gập ghềnh, mây ngàn quên hết tuổi tên, mắt xanh dẫn lối qua bên kia bờ, Người đi kết nối tình thơ, mở ra muôn lối thành tờ hư không.

Tử sinh là hoa đốm chiêm bao, tình mộng mị từ vọng tâm sanh khởi, nghiệp thức chuyển xoay xuống lên ba cõi trầm luân, lời nhiếp dẫn in dấu hư không,bờ bến giác chở thơ về khai ngộ, hát với biển để tự tình rừng núi, cười với sông tiết tấu cung cầm, giữa bầu trời hát câu vô sự, mây trắng cầm tay sợi gió đi về, về vô trú dung thông lý sự, cõi tâm không muôn vật cũng không ngoài.

Đường bất nhị, con đường vô nhiễm
Cõi chơn như bất lực ngữ ngôn
Tâm an trú là không chỗ trú
Rồi lặng im sấm sét cội nguồn.

Đến và đi cũng là nghiệp mệnh, phát tâm từ thành hạnh nguyện độ sanh, bốn mươi chín ngày pháp lữ nhớ tình anh. Xin đốt hết lời thơ tiếng nhạc, hóa nén tâm hương cầu nguyện vãng sanh.

Anh đi mây gió mỉm cười
Khói hương kết nụ mây trời tiễn đưa
Giã từ cõi nọ nắng mưa
Tử sinh tan mộng trăng xưa hiển bày.

Chùa Lá, mùa thu Nhâm Thìn
Thích Nhuận Tâm

 

Như thị

Hái nụ đời khi chưa kịp mùa Xuân
Nở thành hoa ưu phiền trong trời đất
Như trăng trong mây, không âm thanh, hương sắc
Nước xuôi ngàn, đâu là nguồn, là sông?

Nghe mênh mang như biển ở trong lòng
Đi và đến một đời sao chóng thế!
Ai ban phát cho nụ cười tĩnh tại
Xin lặng nhìn mà gẫm chuyện trăm năm.

Ngày Đông hong tuổi mình cho kịp nắng
Dù mưa phùn cũng xóa sạch dấu chân
Nói chuyện mình với đêm dài vắng lặng
Hoa vô thường nở một đóa trong tim

Chảy trong mình một ý chí trầm luân
Ta mấy tuổi và trăng tàn mấy bận
Mắt vẫn sáng trong dòng đời nghiệt ngã
Bao dung mà qua bỉ ngạn buồn tênh

Còn ai nói và còn ai nghe nói
Tin những điều khốc liệt tự nội tâm
Một con người và ba ngàn thế giới
Chỉ có nụ cười Như thị ở trên cao.

Thích Nhuận Châu
Tịnh thất Từ Nghiêm

 

Từ Hàn Cung Thương đến Thích Nhuận Hoài

Vâng, đó là cuộc hành trình đầy thử thách, cam go, ác liệt bi tráng và không khoan nhượng, khởi đầu từ một Hàn Cung Thương thi sĩ đến tuyệt đỉnh Thích Nhuận Hoài Tỳ Kheo Bồ Tát Giới.

Tôi quen anh vào những năm 90 của thế kỉ trước trong những lần đi Từ Nghiêm và Đức Sơn đảnh lễ và tham vấn Hòa Thượng Viện Chủ. Dần dà tình đạo và duyên thơ gắn bó với nhau lúc nào không biết. Đọc những vần thơ bi tráng của anh thời đó, tôi cùng nhiều anh em ngưỡng mộ và cũng ngưỡng mộ luôn cái tính khí cương trực thành thật, bộc bạch không che giấu ngay cả cái dở cái xấu của mình. Đưa gia đình vào lập nghiệp ở Hắc Dịch có lẻ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời đầy khó khăn và rủi ro thua thiệt của anh qua đó anh tiếp cận với Phật Pháp dưới sự dìu dắt của Hòa Thượng Đức Sơn và sau này là Bổn Sư truyền Tam qui y giới của anh. Lúc đó anh đã có lòng qui ngưỡng Tam Bảo tỏ ý muốn xuất gia. Anh tâm sự :"Xuất gia là phải Cát ái ly thân , việc đó mình chưa làm được trong hoàn cảnh một vợ ba con còn nhỏ" Nhưng anh vẫn trưởng dưỡng đại nguyện cho đến một ngày ...

Hình như vào đầu thiên niên kỉ thứ III, do có chuyển biến trong gia đình , anh một thân một mình xách ba lô về khu bô rác Phan Huy Ích ở cùng với chúng tôi (Bích Nhãn Hồ) Trần Huệ Hiền, Trần Đăng Sum, Trụ Công Vũ, Lê Quốc Lư, Trương Văn Hiếu ( đại đức Thích Nhuận Nghĩa), lập ra nhóm Hương Rác. Có lẽ đây là một cuộc diễn tập cho việc " Cát ái ly thân" mà anh chính thức thực hiện hai năm sau đó, khi xuống tóc thọ giới xuất gia.

Thời gian cư ngụ ở khu bô rác Phan Huy Ích là bước ngoặt thứ hai mở ra con đường dẫn đến bờ giải thoát. Anh tâm sự: " thật ra cái thân tứ đại này chính là đống rác đang phân hủy chẳng khác gì cái bô rác kia; chỉ có điều là mình có đủ dũng cảm hay không để nhận ra điều đó; mà dù nhận ra hay không nhận ra nó vẫn đã đang và sẽ không ngừng phân hủy. Rõ ràng:

Thì thôi giã biệt phồn hoa
Về trông núi rác biết là bể dâu
Tóc xanh thoáng chốc bạc đầu
Tình ai rồi cũng phai màu thời gian
(Trần Huệ Hiền)

Nhóm Hương Rác do anh lập ra được sự hỗ trợ tư vấn của thầy Thích Nhuận Tâm trụ trì chùa Lá không ngừng phát triển cả về lượng lẫn chất. Nhiều thượng thủ cao thủ cư ngụ địa phương khác cũng tụ hội về tham gia giao lưu như : Triều Nguyên, Đoàn Văn Khánh, Đoàn Hoàng, Tạ Văn, Nguyễn Văn Thoại v.v... Trong những lần họp mặt giao lưu như thế ngoài thơ đạo, nhạc đạo luôn luôn là thảo luận trao đổi học hỏi nhau về nội điển cũng như kinh nghiệm tu tập.

Cho đến một ngày, căn lành tăng trưởng, hạt giống đủ duyên, anh quay về Đức Sơn xuống tóc thọ giới xuất gia do hòa thượng Đức Sơn truyền trao giới pháp và ban cho pháp danh Nhuận Hoài. Đến đây lại mở ra một bước ngoặt thứ ba, không phải dẫn đến một dòng sông êm ả cho anh thuận buồm xuôi gió. Mà là dẫn đến một trận chiến mới đầy ác liệt gay go. Đó là chiến đấu với chính mình. Từ nay anh phải chiến thắng những tập khí xấu huân tập từ vô lượng tiền kiếp và kiếp hiện tiền. Đúng là một cuộc chiến đơn độc tự thân, không ai làm thay. Ngay cả đấng Từ Phụ, Ngài chỉ chỉ ra con đường mà mình tự thắp đuốc để đi chứ Ngài không cho quá giang. Lắm lúc anh cảm thấy quá sức, không thể vượt qua được. Có lúc anh suýt mất giới. Những lần như thế anh thật thà thổ lộ với tôi như là để tự kiểm thảo chính mình rất thành thực. Không bao giờ anh mượn lời kinh hay lời Tổ để ngụy biện che giấu các yếu kém của mình. Anh thành tâm sám hối, phát tâm lạy hơn mười một ngàn danh hiệu Phật trong kinh Phật thuyết Kinh Vạn Phật, không xao lãng công phu và thiền định. Anh luôn ghi lòng tạc dạ và thực hành lời căn dặn của sư phụ: "Tránh đại ngôn sẽ ngừa được khẩu nghiệp, Nhẫn nhục sẽ ngừa được thân nghiệp, Chỉ thấy lỗi mình, không thấy lỗi người sẽ ngừa được ý nghiệp".

Anh công phu một cách tinh tấn và luôn luôn khiêm tốn. Anh tâm sự: " mình bán thế xuất gia tự biết căn cơ thấp kém. Không dám mong gì hơn là đời này gieo duyên với Phật pháp để đời sau có được thân người tiếp tục tu. Làm sao mỗi đời như thế tập khí giảm đi một ít, căn lành tăng trưởng thêm một ít, nhất định sẽ thành chánh quả. Anh thường nói với anh em: " Tu là để giải thoát, muốn giải thoát phải diệt ngã. Tu mà còn thấy mình hơn người, mình đúng người sai, chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình, sao gọi là tu?".

Với đại nguyện và hạ thủ công phu tinh tấn như thế anh sẽ xứng đáng là một Tỷ khưu Bồ Tát giới mà hòa thượng Đức Sơn vừa mới phương trượng truyền trao cho anh. Đúng là :

Hoa thành rác bởi thời gian
Rác thành hoa bởi vượt ngàn khổ đau
(Trụ Công Vũ)
Bản thân tôi tự thấy mình căn cơ thấp kém:
Mồm nguyện đi tu mòn cả lưỡi
Chân không rút nổi khỏi đường tơ
(BNH_Tự trào)

Nên không thể học theo các bậc thượng căn sớm xuất gia tu Phật từ lúc còn trẻ chỉ dám nguyện học theo các vị bán thế như Nhuận Nghĩa Trương Văn Hiếu, Nhuận Hoài Hàn Cung Thương ...

Hôm nay anh xả bỏ báo thân, trước kim quan anh tôi không cầu chúc quá cao siêu đôi khi ước lệ sáo ngữ như Vãng Sanh Cực Lạc, Cao Đăng Phật Quốc ... chỉ xin nhất tâm cầu cho anh kiếp sau có được thân người để tiếp tục tu học và sớm xuất gia ngõ hầu được Ân Triêm công đức đúng theo đại nguyện của anh.

Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha.

Bích Nhãn Hồ cẩn bút
nhân tuần chung thất của
Tỷ Khưu Bồ Tát giới Thích Nhuận Hoài

 

Tiễn biệt Hàn Cung Thương Thương và Trăng Cửu Long

Trăm năm một giấc mộng vàng
Trăng Cửu Long siết tay Hàn Cung Thương
Rong rêu tàn cuộc miên trường
Ngộ ra diện mục hằng thường xưa nay
Giã từ cõi tạm lưu đày
Rửa tay về chốn Bồng Lai an nhàn
Người đi để lạnh thi đàn
Ai cùng ta nhặt tro tàn sưởi thơ
 

Bích Nhãn Hồ

 

Vô thường hoa

Trần cảnh mênh mông chuyển vầng nghiệp hẹn, đây nhịp chẳng thường biến hóa trùng duyên, trong đó có con người, dù sớm hay muộn, bởi đoạn trường có dài vắn khác nhau, chung cuộc vẫn y như những loài hoa làm biểu tượng - sớm nở tối tàn.

Như dòng trôi bất tận kia là từng mỗi con nước đục trong hòa điệu, là từng mỗi khoảng cách đời người nối nhau vào hiện biến. Hiện, như những tảng băng trôi nổi bềnh bồng trên biển cả. Biến là hạt mầm gieo xuống đất; không phải biến là tiêu dong diệt tận theo lẻ hư vô đoạn kiến; biến là hóa thành theo nhịp chẳng thường quyền phép, phục diện nên từ bao kỷ buồn! Trầm tích trổ màu xanh.

Hàn Cung Thương mến thương! Thấm thoát đã mãn kỳ giáp thất chi tuần, bốn chín ngày rồi khuất bóng trần thân. Chẳng biết giờ này bên kia bờ cửa tử và nẻo thoát tâm vương, anh có được nhẹ nhàng tiêu sái chăng? Có được diện mục thường chân khai thị tợ không hoa. Công án lớn của đời người là đây và chỉ có anh – duy chỉ anh thôi mới hiểu rõ điều này.

Hôm nay đây quý chư ân sư, chư huynh đệ, cùng bạn bè thi hữu gần xa ngồi lại cùng nhau tụng niệm những lời hoa đẹp nhất - lời của thi nhân không rắn đanh như sỏi đá mà như ngàn hương hoa ngang ngát sớm chiều dâng. Để thương nhớ anh, vượt qua bao nổi đoạn trường, bởi mười ngón tay trên đôi bàn tay nhẩm hoài theo dự tưởng, ôi những phóng chiếu mơ hồ còn đó, chúng tôi đang ...

Tạm biệt anh Hàn Cung Thương
Tồn sinh giáp mặt đoạn trường sắc không
Mặt trời sớm mọc phương Đông
Tàn con nắng nhỏ lặn vòng sang Tây
Mười ngón tay đôi bàn tay
Vẻ vời mộng mị nhấm say tạc thù
Bây chừ giủ áo thanh thư
Tà huy khuất nẻo sang bờ bến không.

Tháng 11 – Nhâm Thìn
Bình Phước, Thủ Đức, Sài Gòn
Từ Chinh Âm

 

Cảo hồn du mục

Trang đời thay mới
Tắm gọi mưa mùa
Mát trong nhẹ nhõm
Hương trầm ngát đưa

Em khoe áo lụa
Xinh ngọc trắng ngà
Nếp hồn say mộng
Bướm hồ lướt qua

Ánh mắt long lanh
Soi đời hư ảo
Men mơ chín nục
Cuộc người lao đao

Cảo hồn du mục
Bung xòe cánh sao
Nhìn xem cổ lục
Mơ màng đóa hoa

Người đi bỡ ngỡ
Mưa ngày nắng đêm
Bốn mùa chuyển động
Ơi vầng trăng nghiêng.

Tâm Bình

 

Suối nguồn hòa âm

Ngày mới thay màu nắng ấm

Bầu trời lắng trong. Cánh gió nhẹ lay mớ tóc phơi sương.

Hương trầm thơm thảo mơ màng ngát đưa.

Huyền hoặc cung cầm vuốt bay thanh âm thấu hồn vân thạch. Ngà say lâng lịm lẽ mầu nếp gấp mạch ngầm giao động hòa âm.

Cây lá thay mùa. Suối nguồn trào lộng mát trong. Gian phòng tĩnh lặng. Tách trà xanh lắng đọng quyện làn khói bay lên. Cõi lòng an nhiên tọa thị.

 *

Thanh âm Viên mãn lan tỏa phủ trùm khắp bầu khí quyển xua tan hà sa vết dấu ưu phiền.

Ngọn cỏ ngậm sương hòa ca suối hát. Hạt bụi lăn đi rất chậm. Bởi thương tháng ngày bước vội đôi chân.

Dừng lại sẽ nghe vũ trụ vang lên Bản Tình Ca Xuân bất tận. Và nghe trong khoảng Không hiện biến ngàn muôn cõi nước với đủ sắc màu, âm điệu xuê xoang từng mỗi sát na.

Một bước nhảy vọt tâm màu mở ra lăng kính huyền vi tâm tình ẩn mật bao dung.

 *

Con sóng lặng xuống im lìm mênh mang biển nước trời mây xanh trong bát ngát

Biển hát lời kinh

Toàn thể Như Là kết giao thành khúc ca Đại thể

 *

 Người về bước nhẹ. Nụ cười hỷ lạc. Hoa lá tịch nhiên

 Nước lành rưới khắp sơn hà hải địa thấm nhuận mùa xanh

 Bình minh lên tỏa rạng

 Mục đồng hát khúc Vô thanh.

Thích Tâm Bình
16.10.2012

 

Kỷ niệm với anh - Thi sĩ Hàn Cung Thương!

Thế là đã tám năm rồi, cái đêm mà tôi gặp anh tại căn phòng nhỏ được thuê của Bích Nhãn Hồ trên đường Quang Trung – Gò vấp. Trong tâm trạng buồn khủng khiếp, anh đã thốt lên: ''Đại trượng phu mà đêm nay chẳng biết về đâu!''Tôi và anh Bích Nhãn Hồ chấn động tâm can khi nghe lời đau thương, bi tráng đó. Tôi cầm đàn dạo ngất ngư, còn anh thì ngâm lên khúc ca thật thống thiết:

"Ta dốc cạn cả mây trời phiêu hốt
Cho chén đầy trăn trở nỗi bâng khuâng
Cho khánh kiệt cả ngày xanh hà khắt
Của đời ta cay đắng đến vô cùng"
Ba anh em cụng ly để được nghe anh tiếp:
"Ta ngồi lại với lòng đầy phiền muộn
Cứ tràn dâng như sóng nước vô tình
Giấc hồ trường lồng lộng bóng u minh
Mùa xuân lạnh vây quanh hồn thương tích"

Cứ thế bia, rượu, ngâm, đàn và hát...ba anh em chúng tôi mênh mang đến khuya rồi nằm lăn ra ngủ thiếp đi.

Ngày ấy, Hàn Cung Thương vừa trãi qua cú sốc nặng nề về tình cảm lẫn cuộc sống kinh tế gia đình.

Anh một mình về Sài gòn tìm kế mưu sinh. Ngẫu nhiên làm sao khi Bích Nhãn Hồ và Trụ Công Vũ cũng đồng cảnh ngộ.Vậy là mấy anh em quyết định thuê chung một căn nhà nhỏ để ở. Căn nhà này lại gần nhà tôi nên ngoài giờ phải làm việc kiếm sống, anh em thường ngồi lại với nhau nói chuyện đủ thứ trên đời. Chính cái máu văn nghệ mà lần lần nơi đây biến thành điểm tụ hội của rất nhiều anh em. Giờ đây ngồi nhớ đến ngày tháng đó trong tôi lại hiện lên bao hình ảnh bạn bè...người còn kẻ mất, người tứ tán khắp nơi như các anh Thương Thương Ấn, Bảy Lư, Phan Hoài Châu, Đắc Thức, Phạm Thới, Nhuận Nghĩa, Xuân Thống, Trần Đăng Sum, Bích Nhãn Hồ, Trụ Công Vũ, Đoàn Văn Khánh, Ngã Du Tử, Tuấn nhỏ, Chị Bích Lan, chị Cúc, Tạ Văn...

Nghĩ thật lạ, khi con người ta buồn đến tận cùng thì hình như lại bắt gặp những niềm vui mới.Hàn Cung Thương gặp và sống với bạn bè trong niềm vui như thế vào những ngày anh cô đơn, hụt hẫng tình cảm gia đình. Những bài thơ nhiều cảm xúc của anh như " Chiếu rượu ngày xuân", "Tuyệt tình ca"...đã ra đời trong thời gian này.

Nhưng niềm vui nhỏ không lấp đầy nỗi buồn lớn trong anh. Bởi anh:

"Đã thấm mệt vì một đời sóng gió
Vì một đời ràng buộc với điêu linh".
Anh chợt nhận ra:
"Ta cuồng si một đời không với có"

Để rồi anh bừng ngộ một lẽ chân thật của đời sống vốn giả tạo này:
"Đời vô thường thoáng chốc mộng tàn phai
Chí tang bồng rạn vỡ trên vai
Đã tan tác khoảng trời xưa mơ ước".

Những câu thơ bùng vỡ và khốc liệt như báo hiệu một thay đổi lớn trong anh sắp diễn ra. Và điều gì đến đã đến, một ngày anh nói với mọi người quyết định buông bỏ tất cả để xuất gia đầu Phật, làm kẻ tu hành.

Bạn bè soạn một bữa tiệc nhỏ đưa tiễn anh cũng để được ngồi lại bên nhau vui buồn hết mình lần cuối. Thơ nhạc tuôn trào!Tôi nhớ mãi giọng ngâm si thứ trầm buồn của anh, hào khí vang lên chuyển tải những vần thơ quyết liệt:

"Xin giã biệt những ân tình sâu thẳm
Vời ngàn sao trong mắt biếc diệu hiền
Những mùa xuân đã đi vào quên lãng
Những buồn vui theo năm tháng ưu phiền"

Rồi mắt anh rướm đỏ:
"Xin từ tạ những tình yêu tuyệt đối
Những tình yêu tương đối cũng đành thôi
Bờ môi ấm và hương nồng mê hoặc
Đã chìm tan trong sóng bể luân hồi"

Khi tôi viết những dòng này thì thi sĩ Hàn Cung Thương đã trở thành tu sĩ Nhuận Hoài từ lâu lắm. Kinh kệ, tu tập, Phật sự chiếm hết thời gian nên Thầy không còn để ý nhiều đến thơ nữa. Bạn bè động viên Thầy nên ra một tập thơ ghi dấu lại quãng thời gian sáng tác của mình nhưng Thầy lần lữa mãi. Gần đây Thầy mới chọn một số bài để in thành một tập kỷ niệm ( mà cũng chỉ khiêm tốn lưu hành nội bộ) như chút tình tri ân với đời sống, đúng như bốn câu thơ thầy viết để làm tựa cho tập thơ:

"Như cánh chim về cuối trời quên lãng
Chở tàn phai trên đôi cánh thu vàng
Phút tĩnh lặng giữa đôi bờ mộng thực
Chợt thấy mình còn chút nợ nhân gian".
Đêm Gò Vấp, ngày 18 tháng 11 năm 2012
Trần Huệ Hiền

 

Cung tiễn

Thầy đã đi giữa mùa thu trút lá
Trong ngôi chùa chầm chậm tiếng chuông ngân
Lời hộ niệm nhẹ nhàng đưa bóng cả
Ánh đạo vàng soi bước dẫn thầy đi

Về thế giới A Di Đà siêu thoát
Trăng đêm rằm vằng vặc bóng từ bi
Lời cung tiễn bên mẹ hiền Bồ Tát
Nguyện cho thầy trùng ngộ cõi tây phương

Người ở lại bụi trần còn vương đổ
Dòng đời trôi cũng còn chút lo phiền
Thôi sẽ hẹn một mùa thu hạnh độ
Cũng trùng lai trong cõi an nhiên
Cung kính tiễn đưa Thầy Nhuận Hoài về miền cực lạc

Nguyễn Thị Lập

 

Đêm trăng cha qua sông

Kính dâng lên Giác linh Cha của con
Đại đức Thích Nhuận Hoài

Đêm huyền diệu u trầm sương khói
Tiếng chuông chùa ngân vọng những âm vang
Con lặng thầm niệm Phật giữa mênh mang

Cha qua sông nhẹ nhàng theo con sóng
Vượt trùng dương thay chiếc áo vô thường
Con đường mòn thời mưa nắng phong sương...
Bên nương rẫy mồ hôi cha thấm đẫm

Con nhớ mãi ngày đầu tiên đi học
Cha đèo con qua những cánh đồng
Mặt trời hồng ló dạng phía hừng đông
Chân tất bật xe thồ cha đẩy củi

Thương các con một thời cha lầm lụi
Đẩy xe khoai kịp buổi chợ bên sông
Đêm đông lạnh trên xe bò giá buốt
Suốt nẻo đường người đi sớm về khuya

Để tương lai bao con tươi sáng
Mỗi xuân về nhành mai vàng rực nắng
Những giò lan khoe sắc cánh hoa rừng
Từng kỷ niệm trong con hằng ghi nhớ

Công ơn cao sao kể hết bằng lời
"...trước cuộc đời gian nan là gấm trải
Phải tôi mình trong thử thách gian lao..."
Bao lời dạy làm hành trang tiếp bước

Trước hiên chùa lặng yên con khấn nguyện
Giàn cát đằng rủ bóng dưới thềm trăng
Phong lan trắng tỏa hương đêm thơm ngát
Giấc miên trường êm ái cha ơi !

Nơi Cực Lạc thuyền về theo con nước
Cuộc trầm luân đã giũ áo phong trần
Gõ nhịp chèo trên đường sang cõi Phật
Người đi qua dâu bể ngát hương thầm.

Chùa Đức Sơn Trung thu Nhâm thìn
Tây Sơn

 

Ơn đức cù lao

Thế là hết, ngày "trùng quan dạt gió"
Con chim bằng rũ bỏ một đời bay
Xếp đôi cánh bạt cả mùa giông gió
Lạc trời cao lồng lộng bóng thu phai

Mười năm trôi cơ hồ như gió thoảng
Giấc hồ trường thoáng chốc cũng dần tan
Những được mất rồi chỉ là khái niệm
Thiên đường xưa như mây trắng lang thang

Đường vất vả ngựa chồn chân lảo đảo
Đời run run thấm lạnh gió cơ hàn
Ngày đứng lại lặng nhìn con nước dạo
Đêm dần khuya theo bóng nguyệt mây ngàn

Con cảm nhận những gì cha gởi lại
Là vần thơ với hào khí chất đầy
Là niềm tin cho lòng con vững bước
Cùng hào quang cha soi sáng từng ngày
Mong cha đến với bến bờ vĩnh phước
Đức cù lao con tạc nhớ lòng này

Trung tuần tháng 8 Nhâm Thìn 2012
Trường Phong

 

Theo vết người xưa...

 Nguyễn Văn Biên

(Đọc thi phẩm Từ độ trăng tàn. Kính tưởng niệm giác linh cố Đại đức Thích Nhuận Hoài - nhà thơ Hàn Cung Thương)

Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm vọng lại tiếng loa xưa..
Vũ Đình Liên

Ở thế kỷ 20 nhà thơ Vũ Hoàng Chương viết: "..Đời họa còn ta là theo vết người xưa.", cái vết " hùng tâm, tráng chí" của một " thời hoàng kim đã mờ trong sương mơ' – (lời bài ca), cái thời lý tưởng của người xưa đó chỉ còn trong sách vở, trong những chuyện kể để hòng giữ lấy chút lửa trong cái buổi lạnh ngắt kim tiền này, cái thời chúng ta đang sống bội thực những giáo điều về đạo đức, niềm tin, vì cái thứ đạo đức đã " úa lục, phai hồng", chỉ trơ lại hơi đồng tanh ngắt...

Trong khung trời đó, thực tại đã dựng nên vách ngăn lừng lững trước mặt mà những tâm hồn yếu đuối không dễ gì qua được:

" Chẳng dễ gì qua được
Vách đời đứng uy nghi
Con ngựa già mắt đỏ
Đứng thở cuối chiều kia..."

(Tình khúc số không - thơ Lê Trọng Minh)

Thực vậy cuộc sống này luôn dồn đuổi mỗi thân phận, chẳng dễ gì qua được, không những vách đời đứng uy nghi mà có lẻ chẳng dễ gì vượt qua được chính mình..., nếu trong huyết quản này không có được chút hùng khí của tiền nhân,...!

Những điêu linh, những bộn bề của đời một con người ai cũng vậy nhưng với công dân Nguyễn Đình Cung Thương hay thi sỹ Hàn Cung Thương hình như đã có cùng tâm sự với người xưa:

"Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ thử, đông hàn đoạt thiếu niên".

(Nguyễn Du)

Cái "hùng tâm" và "sinh kế" luôn làm chao đảo tráng chí mà với anh hình như đã gom đủ trong mấy câu lục bát của Lê Giao Văn- một vị niên trưởng đồng thời là bạn thơ thân thiết đã viết về anh:

" Sáu mốt năm-hạt bụi trần
Ngựa què, kiếm gãy qua thân phận người
Khổ đau trộn với niềm vui
Vẫn hào hoa giữa chê, cười thị phi
Từ mồ côi bước ra đi
Giữa thời chiến loạn – chim di, gió ngàn...
Rồi khi bão tạnh , mưa tan
Vùi thân cơm áo đa đoan quê người."
(Hẹn cuộc tương phùng - Lê Giao Văn)

Từ độ trăng tàn - tên tập thơ của anh, ta bắt gặp ngôn từ của một thời xưa cũ, ước lệ, trang nghiêm như những hàng thành quách cũ, sẽ có người buộc miệng thốt lên: đời họa còn ANH là theo vết người xưa...! Thật vậy ta thử đọc:

"Thơ viết đôi dòng bi tráng
Ngất trời hào khí mênh mang
Sinh chẳng phùng thời đành vậy
Vỗ bầu rót chén kinh bang."
(Tình sử Lương Sơn Bạc - HCT)
Hoặc:
...Ngày trở lại ngó sông dài xơ xác
Sầu miên man xiêu lạc bước quan hà
Vầng trăng sớm lạnh lùng treo đỉnh dốc
Tráng sỹ về đầu bạc giữa phong ba.
 (Ngày trở lại - HCT)
Nhưng tôi nghĩ anh làm thơ vì:
" Những lúc ngã lòng vịn câu thơ mà đứng dậy.."
(Thơ Phùng Quán)

Cái ngôn ngữ cũ xưa qua tâm tình bi tráng của Từ Hải hay của ai kia... như vận vào đời tác giả:

" Cung đàn xưa tắt lịm
Đâu dáng Kiều mê say
Không rượu nồng chuốc cạn
Bóng trăng suông lạnh đầy.
(Anh linh Từ Hải- HCT)
hay:
" Tuyết lạnh rơi đầy chí cả
Đất trời nghiêng ngã hoang mê
Quạnh hiu vầng trăng Thu xế
Thù sâu phong lấp lối về...

(Tình sử Lương sơn bạc - HCT)

Và tầng tầng những quắt quay làm anh chóng mặt hồ như quị ngã và anh đã vịn câu thơ đứng dậy và di trú trong nó hòng tìm chút tĩnh tại trong trùng trùng quăng quật xác xơ:

" Như con chim về cuối trời quên lãng
Chở tàn phai trên đôi cánh thu vàng
Phút tĩnh lặng giữa hai bờ hư- thực
Chợt nhớ mình còn chút nợ nhân gian..."

(Như vết chim bay - HCT)
Và anh tự thú nhận:
"Tôi làm thơ vì không thể không làm thơ
Tôi làm thơ vì đó là hơi thở
Như cuộc đời phải nặng nợ áo cơm..."
Và nếu có ai truy hỏi tiếp anh sẽ trả lời nghe trớt quớt - Vô sở cầu:
"Tôi làm thơ ? Vì đơn giản.. Thích làm thơ"
(Thơ và tôi - HCT)

Những lúc thân mật khinh khoái anh thường gọi tôi là "lão đệ" nghe có vẻ "tuồng tích" nhưng riết rồi cũng thấy vui, và anh luôn giữ khẩu khí của Quảng Nam thương ghét rạch ròi, chữ nghĩa hùng tráng sang trọng nhưng anh rất thiệt thà, một vẻ ngoài góc cạnh nhưng tâm hồn ngọt ngào, chân tình và dễ mềm lòng...

Đọc hết Từ độ trăng tàn và những thi phẩm khác của Hàn Cung Thương chúng ta sẽ không tìm thấy ở đó một hình thức thơ tân kỳ hoặc cấu tứ mới mẻ theo kiểu hàn lâm chẻ sợi tóc làm tám... hay để tìm cầu những chân trời mới mẻ..., mà sẽ bắt gặp cái tình bi thống tha thiết, đọc thơ ta ngỡ gặp lại vết thương của chính mình đâu đó thấp thoáng trong một vài câu thơ, cái bi tráng trộn lẫn trong cái nổi trôi của phận người lên bờ xuống ruộng và cái chúng ta nhận được ở đây là một tấm chân tình: tình yêu, tình bạn, tình người...thiệt thà, một đời trải nghiệm với những điêu linh không ai giống ai để rồi viết nên:

" Là thu
từ độ phôi pha
Là trăng
tàn lạnh trên tà áo phai
Là chim
từ lạc đường bay
Là hương gió thoảng
qua ngày viễn phương
............
Là thôi
từ bước chân đi
Là đêm tàn mộng
từ khi tạ từ."

(từ độ trăng tàn - HCT)

Cái tuổi " tri thiên mênh" mà anh đã tự cho mình "Anh tiếc mình già cốc đế đại vương" nhưng anh không hề là người nhu nhược, và "lão huynh" đã có khi dừng lại bên sông cuộc đời mình, theo nước bồng bềnh đưa, nghe tôm cá giởn, nhưng mới hay đường xa áo mỏng mà chuyện quan hà cố sự luôn đeo đẳng nặng lòng, và rồi cũng bó tay nhìn những phân kỳ tự trong lòng mình, những ngày ngồi gượng, những chiều lở chuyến xe...niềm vui tày gang còn lại là những đọa lạc rã rời:

"và cứ thế ta hoang đàng man dại
Kiếp cuồng ca trên khắp nẻo giang hồ
Vào thăm thẳm chiều hoang buồn vạn đại
Dốc nghiêng bầu ấm lạnh với hư vô"

(cuồng sỹ ca- HCT)

Và da diết:
" Lời tạ từ viết giữa tàn đông
Nâng cổ áo nghe nổi lòng se lạnh
Mùa xuân lại về trong bất hạnh
Cũng đành lòng chấp nhận một đời sông."

..............
Và: " Năm mươi năm tên tội đồ loạng quạng
Đánh mất mùa xuân từ độ trăng tàn."

(Thơ viết nhân ngày cưới bạc - HCT)

Cũng từ đó anh: " Nguyện lòng rũ áo trả nhân gian"
Và anh đã dũng cảm chọn:
" Xin từ tạ những tình yêu tuyệt đối
Những tình yêu tương đối cũng đành thôi
Bờ môi ấm và hương nồng mê hoặc
Đã chìm tan trong sóng biển luân hồi"
"Xin giã biệt chốn phồn hoa đô hội
Những vòng tay thân thiết gọi mời
Những bình minh đăng quang ngàn dư ảnh
Những hoàng hôn bóng xế ngả bên trời.

...............
Xin từ tạ nét trang đài huyễn ảo
Huyền thoại nào phiêu dạt giữa đời sông
Xin giã biệt tháng năm dài chao đảo
Mộng phù vân thoáng chốc lục phai hồng"

(Tuyệt tình ca - HCT)
(Tình yêu tuyệt đối ở đây ở một nghĩa hẹp là sự gắn bó bền chặt của hai người yêu nhau theo lẻ thường chứ không ở cái nghĩa rốt ráo...)
Rồi cũng từ đây ta thấy một giọng bỡn cợt có vẻ trịch thượng nhưng dễ thương đánh dấu một bước sang trang của đời anh:

"Chuyện cuối năm đêm nằm nhớ tết
Nhớ tùm lum thế sự um sùm
Thương nổi đời lôi thôi lếch thếch
Thương mọi người lo tết lo xuân"

(Chuyện cuối năm - HCT)
Một bứt phá ngoạn mục của tâm thức để làm một việc " phi thường": trở thành Tu sỹ...làm một du tăng hành cước khắp chốn...đi tìm cái chính mình trong vô thỉ và suy gọi tĩnh thức tự thân tâm từ độ trăng tàn:

"Giữa quãng đời điêu linh
Giữa muôn trùng bể khổ
Trăng Lăng Già đức độ
Soi sáng đời u minh"

(Đạo thành - HCT)

Và nhà thơ quay về đầu phục dưới Phật đường đảnh lễ bổn sư:

" Con từ lạc bước mù sa
Trầm luân trong cõi ta bà Thái hư
Cánh buồm in dấu tổ sư
Dấu hài trí tuệ chân như cội nguồn
Và tha thiết:
Lạy thầy dù gió mưa tuôn
Vẩn còn hiển hiện tiếng chuông đại từ.."

(Thầy về - thơ HCT)

Từ đây thi sỹ của chúng ta đã vượt thoát để trở thành Tỳ Khưu Thích Nhuận Hoài với một khẩu khí phiêu hốt:

Đời như gió thoảng mây bay
Hay- là ở chỗ
chẳng hay ho gì.
Cuối cùng nhận được điều chi
Điều chi chẳng có
Điều cho bận lòng...

(Mưa qua lều cỏ - thơ HCT)
Chúng bằng hữu luôn cầu nguyện cho anh phật sự tấn thành, công phu viên mãn, nhưng rồi vô thường ập đến, nó chẳng vị riêng ai kể cả nhưng bậc tu sỹ "cắt ái ly gia", và nó đã đến với Thầy một đêm trăng tròn nhất của tiết trọng thu và người thơ đã trả thân tứ đại về cho cát bụi, chúng ta tiễn Thầy "không nước mắt, không rượu mời" vì Tỳ Khưu Thích Nhuận Hoài với hùng tâm tráng chí đã vượt qua những biên kiến lề thói đời thường...và "lão huynh" của ngày trước đã theo kịp "vết người xưa" trong sự kính ngưỡng của anh em, bè bạn...trong đó có "lão đệ".
Xin trích ra đây khổ thơ cuối cùng Thầy đã viết, thay cho lời kết mà theo nhà thơ Lê Giao Văn là bản điếu văn viết trước cho chính mình:

"Thân trai vạn dăm đâu chùn bước
Chí lớn lồng trong nhịp sống hùng
Rồi mai giủ áo phong trần ấy
Gõ nhịp chèo qua nẻo sắc-không.

(Tráng khí ca - Thích Nhuận Hoài)

Nguyện cầu đại đức Thích Nhuận Hoài Phật quả viên thành!

NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT
Nguyên Bửu đường, Trọng thu, Nhâm Thìn 2012.
NVB
(Cẩn bút.)

 

* còn tiếp (đang cập nhật)

You are here Thơ ơi Tập thơ Sen nở trời Tây