• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Phẩm song yến (YAMAKAVAGGA)

  • PDF.

songy

TỰA

Chắp tay thành kính nguyện cầu

Rót vào Sự Sống từng câu, từng lời

Chân Kinh PHÁP CÚ diệu vời.

 


I.PHẨM SONG YẾN

(YAMAKAVAGGA)

1

Trong các cú pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo.

1

Ai ơi! Nguồn gốc khổ đau

Nằm trong niệm khởi ban đầu về “Tôi”

Nói, làm, tác ý khôn nguôi

Tâm còn lưu vết luân hồi mải mê

Vòng quay như cái bánh xe

Theo chân con vật kéo lê đường trần

2

Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

2

Ai ơi! cội rễ phù trầm

Nằm trong vọng niệm âm thầm về “Tôi”

Nói, làm, thiện ý khôn nguôi

Tâm không tì vết an vui đời đời

Tuệ căn đạo hạnh vun bồi

Lạc phúc như chiếc bóng trôi theo hình

3

“Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy, thì sự oán hận không thể dứt.

3

“Người kia nhân ngã điêu linh

Chửi tôi,đánh tôi, vong tình hận thay!”

Ai ôm lòng nghĩ điều này

Làm sao xả bỏ được ngay giận buồn

4

“Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy, thì sự oán hận tự dứt.

4

“Người kia nhân ngã điên cuồng

Chửi tôi, đánh tôi, ôi buồn giận thay!”

Ai luôn xả bỏ điều này

Tức thì buông xuống được ngay hận sầu.

5

Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi được hận thù. Đó chính là định luật ngàn thu.

5

Xưa nay đạo luật gồm thâu

Từ tâm hóa giải thù sâu bể ngàn

Ghét thương mù mịt nhân gian

Oán hờn không thể xua tan oán hờn

6

Người kia không hiểu rằng: “Chúng ta sắp bị hủy diệt” (mới phí sức tranh luận hơn thua). Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa.

6

Sống tham tranh luận thua hơn

Để rồi phải chết cô đơn một ngày

Ai thương Nhận Biết điều này

Vô tranh thế sự trong ngoài thong dong

7

Người chỉ muốn sống khoái lạc, không nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, người ấy thật dễ bị Ma nhiếp phục, như cành mềm trước cơn gió lốc.

7

Đuổi theo ảo giác phiêu bồng

Lục căn* buông thả long đong phận người

Uống ăn vô độ biếng lười

Hoang say tình ý đầy vơi tháng ngày

Ma vương dục vọng dài tay

Cuồng quay lạc thú đọa đày xác thân

Như cơn lốc xoáy tình trần

Ngả nghiêng cảnh vật muôn phần bi thương

8

Người nguyện ở trong cảnh chẳng khoái lạc khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống tiết độ, vững tin và siêng năng, Ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá.

8

Biết thân bất tịnh vô thường

Lục căn tịnh hóa thanh lương cõi lòng

Uống ăn tiết độ sạch trong

Hằng xem tâm ý rỗng không chi tình

Ma vương cũng niệm nghiêm minh tinh cần

Dẫu cơn lốc xoáy hồng trần

Dội vào núi đá muôn phần khó lay

9

Mặc áo Cà – Sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.

9

Ai người mặc áo thụng dài

Tâm còn tạp niệm sầu ai bất bình

Chưa điều phục thân tâm mình

Cà sa không xứng với hình hài kia!

10

Rời bỏ các cấu uế, khéo giữ gìn luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc áo Cà – Sa.

10

Ai người ba độc xa lìa

An lòng địa giới* sẻ chia chân tình

Luôn điều phục thân tâm mình

Đẹp thay! Xứng với ngoại hình cà –sa

11

Phi chơn tưởng là chơn thật, chơn thật lại thấy là phi chơn, cứ tư duy cách tà vạy, người như thế không thể đạt đến chân thật.

11

Những điều được mất phù hoa

Mà tin có thật tâm ma che mờ

Nhân duyên ,nhân quả lại ngờ

Cho là không thật ngu ngơ nhìn lầm

Lay lất mặt mũi thăng trầm

Làm sao tỏ ngộ Chân Tâm pháp mầu

12

Chơn thật nghĩ chơn thật, phi chơn biết là phi chơn, cứ tư duy một cách đúng đắn, người thế mau đạt đến chân thật.

12

Chân Tâm là pháp cao sâu

Ngoài Chân Tâm ấy bể dâu ảo huyền

Xuyên qua hư thực ngắm nhìn

Pháp mầu chứng thực lòng tin vững vàng

13

Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột; cũng vậy người tân không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào.

13

Ngôi nhà lợp chẳng kỹ càng

Mưa sương thấm ướt tuôn vào ngay

Tu mà bất giác đêm ngày

Nguồn cơn tham dục len đầy Tâm Vương

14

Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào.

14

Ngôi nhà che chắn kỷ cương

Ngại chii nắng lửa mưa sương lọt vào

Tu thường tỉnh giác không nao

Chân tâm hồ dễ nhiễm trào dục tham

15

Đời này chỗ này buồn, chết rồi chỗ khác buồn, kẻ làm điều ác nghiệp, cả hai đều lo buồn, vì thấy ác nghiệp mình gây ra, kẻ kia sinh buồn than khổ não.

15

Thấy rằng sự ác đã làm

Ăn năn ray rứt chảy tràn niềm đau

Kiếp này cho đến kiếp sau

Đớn đau thao thức tiếp sầu mây xanh

16

Đời này chỗ này vui, chết rồi chỗ khác vui, kẻ làm điều thiện nghiệp, cả hai nơi đều vui, vì thấy thiện nghiệp mình đã làm, kẻ kia sinh ra an vui, cực vui.

16

Thấy rằng; muôn sự đều lành

Thở, cười trọn vẹn viên thành nguồn vui

Kiếp này và kiếp xa xôi

Mừng thay! Sau trước phai phôi sầu chiều

17

Đời này chỗ này khổ, chết rồi chỗ khác khổ, kẻ gây điều ác nghiệp, cả hai nơi đều khổ, buồn rằng ‘Ta đã tạo ác’ phải đọa vào ác thú khổ hơn.

17

Biết rằng: đau khổ đã nhiều

Hai kiếp xấu ác mình đều tạo ra

Tương lai, hiện tại gần xa

Chập cùng đọa xứ Ta Bà chơi vơi

18

Đời này chỗ này hoan hỷ, chết rồi chỗ khác hoan hỷ, kẻ tu hành phước nghiệp, cả hai nơi đều hoan hỷ, mừng rằng “Ta đã tạo phước” được sinh vào cõi lành hoan hỷ hơn.

18

Biết rằng; phúc lạc tuyệt vời

Bởi điều thiện đức hai thời tạo ra

Tương lai, hiện tại gần xa

Thảnh thơi nhàn cảnh Ta Bà thoát sinh

19

Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa- Môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người.

19

Thuyết nhiều kinh chẳng thực hành

Như người chăn mướn loanh quanh đếm bò

Bao giờ thực nếm sữa bơ

Quả Sa Môn* ấy mơ hồ mong manh

20

Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì; hiểu biết chân chánh; từ bỏ tham, sân,si; tâm hiền lành; thanh tịnh; giải thoát; xa bỏ thế dục; thì dù ở cõi này hay cõi khác; người kia vẫn hưởng phần ích lợi của Sa – Môn.

20

Thuyết ít mà sống như kinh

Công đức nếm trải đạt thành tự do

Tâm Cùng Tử hết phiền lo

Hằng vui giải thoát, cơ đồ Sa Môn

II. PHẨM KHÔNG BUÔNG LUNG

(APPAMADAVAGGA)

21

Không buông lung đưa tới cõi bất tử, buông lung đưa tới cõi tử vong, người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma.

21

Buông lung tự khoét mồ chôn

Tinh cần sống mãi xác hồn ung dung

Thân tâm phóng chiếu muôn trùng

Chớp mắt thiên cổ mịt mùng bóng tôi

22

Nhờ kiên nhẫn, dõng mãnh tu thiền định, kẻ trí được giải thoát an ổn, chứng nhập vô thượng Niết Bàn.

22

Thân tâm tỉnh giác rời

Khai đường Đạo lộ rong chơi Niết Bàn

23

Không buông lung, cố gắng,hăng hái, chánh niệm, khắc kỷ theo tịnh hạnh, sinh hoạt đúng như pháp, thì tiếng lành càng tăng trưởng.

23

Chánh tâm, lời nói việc làm

Lục căn thanh tịnh ngày càng hiển danh

24

Bằng sự cố gắng, hăng hái, không buông lung, tự khắc chế lấy mình, kẻ trí tự tạo cho mình hòn đảo chẳng còn ngọn thủy triều nào nhận chìm được.

24

Hiền nhân chuyên chế pháp lành

Nhận thức xuyên suốt ngành thủy chung

Hóa thân thành đảo lực hùng

Cuồng phong tham dục khó mong nhấn chìm

25

Người ám độn ngu si đắm chìm trong buông lung, nhưng kẻ trí lại chăm giữ tâm không buông lung, như người giàu giữ của báu.

25

Si nhân buông thả nghiệp duyên

Thân tâm trôi nổi theo miền trầm kha

Tinh cần bậc trí thiết tha

Giữ tâm như thể phú gia giữ vàng

26

Chớ đắm chìm theo buông lung, chớ mê say dục lạc, hãy tỉnh giác tu thiền, mới mong đặng đại an lạc.

26

Về thôi, Tâm trí đi hoang

Vượt dòng mộng thực bình an tuyệt cùng

27

Nhờ trừ hết buông lung, kẻ trí không còn lo sợ gì. Bậc thánh hiền bước lên lầu trí tuệ, nhìn thấy kẻ ngu si còn nhiều lo sợ, như được lên núi cao, cúi nhìn muôn vật trên mặt đất.

27

Buông tay niềm nỗi mông lung

Ngồi trên đỉnh vực viên dung ngắm nhìn

28

Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau con ngựa gầy hèn.

28

Vượt lên bèo bọt trùng duyên

Như con tuấn mã qua miền hoang vu

Bỏ sau lưng đám bụi mù

Bỏ sau lưng vó ngựa tơ yếu hèn

III.PHẨM TÂM

(CITTAVAGGA)

37

Tâm phàm cứ lén lút đi một mình, rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu; Ai điều phục được tâm, thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc.

37

Tâm phàm dong ruổi ngày đêm

Vô hình u ẩn khắp triền non xa

Ai người luôn phát hiện ra

An nhiên thoát khỏi vòng ma buộc ràng

41

Thân này thật không bao lâu sẽ ngủ một giấc dài dưới ba thước đất, vô ý thức, bị vứt bỏ như khúc cây vô dụng.

41

Xác thân tứ đại sẽ tàn

Xuống lòng đất lạnh ngủ ngàn giấc thu

như khúc cây mục héo khô

Trở thành vô dụng bên bờ bãi hoang

43

Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào hết, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi chánh thiện làm cho mình cao thượng hơn.

43

Không ai trong cõi nhân gian

Dẫu là cha mẹ họ hàng thân quen

Cho ta cao thượng thiện hiền

Chính là tâm đạo hiện tiền tự thân.

***

Đạo đời muôn sự do tâm

Tùy duyên vui sống quả nhân chớ lầm

IV.PHẨM HOA

(PUPPAVAGGA)

45

Bậc hữu học chinh phục địa giới, diêm – ma – giới thiên giới và khéo giảng pháp Cú như người thợ khéo nhặt hoa làm tràng.

45

Ai thường chinh phục “Địa tâm”

Giảng kinh pháp cú nghĩa âm rõ ràng

Như người thợ khéo làm tràng

Kết thành từng chuỗi hoa vàng đẹp xinh

49

Hàng Sa – môn (Mâu – ni) đi vào xóm làng khất thực, ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương về hương sắc.

49

Sa-môn* khất thực trì bình

Không làm tổn hại sinh linh Ta Bà

Như ong hút mật ngàn hoa

Bào toàn nguyên vẹn muôn tòa sắc hương

50

Chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên coi họ đã làm hay không làm; chỉ nên ngó lại hành động của mình, coi đã làm được gì hay chưa làm được gì.

50

Lỗi người dung thứ rộng đường

Lỗi mình phải biết xét tường nghiêm minh

Sống luôn nhìn lại chính mình

Cảm thông cùng cảnh chúng sanh một nhà

54

Hương của các loài hoa chiên đàn. đa già la hay mạt lỵ đều không thể bay ngược gió,chỉ có mùi hương đức hạnh của người chân chính ,tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương.

54

Hương chiên đàn, hương gì la*

Vẫn không ngược gió lan xa muôn trùng

Hương đức hạnh mãi thơm lừng

tung bay ngược gió khắp cùng muôn phương

57

Người nào thành tựu các giới hạnh, hằng ngày chẳng buông lung, an trụ trong chính trí và giải thoát, thì ác ma không thể dòm ngó được.

57

Ngát lòng giới, định, huệ hương

Giải thoát tri kiến khỏi đường ác ma

Bồ đề thành tựu không xa

Chan hòa thực tại quê nhà muôn nơi,

***

Muôn hoa xinh ngát trên đời

Vẫn không sánh kịp hạnh người vô tâm

V.PHẨM NGU

( BÀLAVAGGA)

60

Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, dòng luân hồi sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp.

60

Đường xa trĩu nặng vai trầm

Người thức ngủ thấy đêm dâng mộng dài

Si nhân đẫm bước u hoài

Tử sinh nào biết ra ngoài mối manh

62

“Đây là con ta,đây là tài sản của ta”, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính”ta” còn không có, huống là con ta hay tài sản ta.

62

Thế gian lo nghĩ quẩn quanh

“Cho tôi, của tôi” ngọn ngành thương vay

Chính ta còn giả tạm thay

Huống là sản nghiệp gia tài vợ con

75

Một đàng đưa tới tế gian, một đàng đưa tới Niết Bàn, hàng Tỷ -kheo đệ tử Phật, hãy biết rõ như thế, chớ nên tham đắm thế lợi để chuyên chú vào đạo giải thoát.

75

Một đường quả phúc châu toàn

Một đường ân oán mỏi mòn trầm luân

Người con Phật thấy không lầm

Chẳng màng danh lợi ,chỉ cần tiến tu

VI.PHẨM HIỀN TRÍ

(PANDITAVAGGA)

81

Như ngọn núi kiên cố, chẳng bao giờ bị gió lay, những lời phỉ báng hoặc tán dương, chẳng bao giờ lay đông được người đại trí.

81

Khen chê cơn gió phù du

Khó làm xao động tâm tư trí hiền

Như bão lay, núi chẳng nghiêng

Mênh mong biển cả ai phiền bọt trôi

82

Như hồ nước sâu, yên lặng trong sạch, những người có trí sau khi nghe Pháp, tâm họ cũng thanh tịnh và yên lặng.

82

Lắng yên đáy nước in trời

Trí nhân nghe Pháp tâm thời bình an

83

Người lành thường xa lìa mà không bàn đến những điều tham dục. Kẻ trí không còn có niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì khổ, lạc.

83

Người hiền xa lánh dục tham

Người trí xả bỏ tính toan dục trần

89

Người nào chính tâm tu tập các Pháp giác chi xa lìa tánh cố chấp, rời bỏ tâm nhiễm ái, diệt hết mọi phiền não để trở nên sáng suốt, thì sẽ chứng Niết bàn ngay trong đời hiện tại.

89

Người lìa chấp ngã tham sân

“Giác chi “ tu tập vẹn phần tinh chuyên

Đời này dứt hết não phiền

Niết bàn chứng thực,Tâm nhiên đắ thành.

***

Mặt hồ tâm vẫn trong xanh

Bởi cùng bậc trí thiện lành kết giao

Lòng đêm vẫn chiếu trăng sao

Đã tàn mấy giấc chiêm bao bụi hồng

VII. PHẨM A LA HÁN

(ARAHANTAVAGGA)

92

Những vị A – La – Hán không chất chứa tài sản biết rõ mục đích sự ăn uống, tự tại đi trong cảnh giới: “Không ,vô tướng ,giải thoát”, như chim bay giữa hư không, khó tìm thấy dấu vết.

92

Thân tâm tự tại viên thông

Qua về vô tướng đại đồng viên dung

Như chi tung bay giữa không trung

Khó tìm ra dấu vết trong sương trời

94

Những vị A – La –Hán đã tịch tịnh được các căn như tên kỵ mã đã điều luyện được ngựa lành, nên không còn nhiều não ngã mạn, được nhơn thiên kính mộ.

94.

Thân tâm La – Hán* thảnh thơi

Sáu căn tịch rạng ngời thiên thanh

Như kỵ mã huấn ngựa lành

Nhân Thiên kính ngưỡng oai danh quý ngài

96

Những vị A- La- Hán ý nghiệp thường vắng lặng, ngữ nghiệp, hành nghiệp thường vắng lặng. lại có chánh trí giải thoát, nên được an ổn luôn.

97

Những vị A – La –Hán chẳng còn phải tin ai, đã thấu hiểu đạo vô vi, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân cùng quả báo ràng buộc, lòng tham dục cũng xa lìa. Thật là bậc Vô thượng sĩ.

96-97

Chẳng còn thiện ác đúng sai

Ba nghiệp vắng lặng hiển bày chánh tri

You are here Phật pháp Luận tạng Phẩm song yến (YAMAKAVAGGA)