• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

HÀNH HƯƠNG VỀ THẤT SƠN CHÂU ĐỐC - AN GIANG

  • PDF.

Nhân dịp đầu năm Kỷ Hợi - 2019, Thầy trụ trì Chùa Lá Gò Vấp Thích Nhuận Tâm đã tổ chức chuyến hành hương về Thất Sơn - Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang từ ngày 22.02 (18 tháng Giêng AL) đến ngày 24.02 (20 tháng Giêng AL). Ngoài thầy Thích Nhuận Tâm, trên chuyến xe hành hương có 42 Phật tử và thiện nam tín nữ cùng thành tâm hướng về đất Phật. Đoàn khởi hành từ Chùa lá lúc 20g đến chùa Bồ Đề Đạo Tràng tọa lạc ở trung tâm thành phố Châu Đốc, thuộc phường Châu Phú A, tỉnh An Giang vào lúc 05g ngày 23.02.2019. 

Chùa Bồ Đề Đạo Tràng được lập năm 1952 do ông Đặng Văn Lý (Tỉnh trưởng Châu Đốc lúc bấy giờ) và ông Phạm Ngọc Đa (Hội trưởng Thông Thiên học) đề xướng, được đông đảo Phật tử nhiều nơi tán thành và cúng dường Tam Bảo. Năm 1951, ông Phạm Ngọc Đa liên lạc với Đại Đức Jinara Jadasa bên Ấn Độ xin chiết cành từ cây bồ đề bảo thụ mà xưa kia Phật Thích Ca đã ngồi thiền định đem về trồng, đến nay cành lá đã sum suê phủ bóng mát trước Phật đài.

Xá lợi Phật tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng

Cây Bồ Đề trước Chánh Điện

 

 

                                                                            Thầy Thích Nhuận Tâm cùng các đạo hữu và Phật tử tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng


Các Ni sư và đạo hữu chùa Bồ Đề Đạo Tràng đã phát tâm Bồ Đề cúng dường, góp một phần công quả để Đại Đức Thích Nhuận Tâm thêm kinh phí xây dựng ngôi chùa Lá từ những ngày khởi đầu trên mảnh đất hoang hóa bên bờ kênh Tham Lương, quý thay tấm lòng của những đệ tử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng một lòng phụng sự chánh pháp.  

Sau khi lễ Phật, đoàn tiếp tục hành trình đến núi Sam lễ chùa Tây An và bà Chúa Xứ. Đền Bà Chúa Xứ trước đây thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang. Thờ cúng bà Chúa Xứ là tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc ta. Cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà được dân địa phương phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của Bà qua miệng "cô đồng", nên người dân đã lập miếu để tôn thờ. Cũng có ý kiến cho rằng Thoại Ngọc Hầu hoặc vợ là bà Châu Thị Vĩnh Tế là người đã ban lệnh và hỗ trợ việc xây dựng miếu. Tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại. Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, không có ở địa phương. Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, thì tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần), tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son (sa thạch), có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ thứ 6, Sau này, nhà văn Sơn Nam cũng cho rằng: Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền thế lớn ở Châu Đốc, 

Rời TP.Châu Đốc đoàn hành hương đến viếng Miễu bà Chúa Xứ Bàu Mướp. Miễu do Phật Thầy Tây An tạo lập vào năm 1851. Tiếp tục hành trình lên núi Cấm - Tịnh Biên. Nhờ sự quảng giao của Đại Đức Thích Nhuận Tâm, đoàn hành hương được vào thăm tượng Phật Di lặc.Tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á được đặt trên đỉnh Thiên Cấm Sơn là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí. Tượng Phật Di Lặc tọa lạc uy nghiêm, thanh thoát nhưng rất gần gũi giữa không gian núi rừng. Tượng Phật Di Lặc có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu tượng là 33,6 m, diện tích bệ tượng 27m×27 m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Tượng được đặt trên núi Thiên Cấm Sơn, cao 710 m so với mặt nước biển. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Đứng ở vị trí nào trên núi Cấm cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu. Bức tượng do nhà điêu khắc Thụy Lam (tên thật Phạm Dân Chủ, 69 tuổi, ngụ thị xã Tân Châu) – người phác thảo bản vẽ và giám sát xây dựng, công trình nghệ thuật đồ sộ này cũng được xác lập kỷ lục là tượng Phật ngồi lớn nhất Việt Nam.

 

Khoảng 10g ngày 24.02.2019, đoàn hành hương giả từ Núi Cấm về lại Chùa Lá trong niềm hoan lạc và bình an, Sự linh thiêng của vùng Thất Sơn đã gieo vào lòng thiện nam tín nữ cũng như Phật tử niềm tin Nhân Quả và Chân Thiện Mỹ từ ánh sáng từ bi nhiệm mầu của Đức Thế Tôn để giữ tròn đạo hạnh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật.

Phật tử ĐỨC BẢO 

 

 

 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

You are here Chùa Lá Chùa Lá Gò Vấp HÀNH HƯƠNG VỀ THẤT SƠN CHÂU ĐỐC - AN GIANG