• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

THƯỢNG TỌA THÍCH NHUẬN TÂM: NGƯỜI HẾT LÒNG VÌ NHỮNG PHẬN NGHÈO

  • PDF.

Mở trung tâm dạy 6 ngoại ngữ miễn phí tại chùa

Thượng tọa Thích Nhuận Tâm (trụ trì chùa Lá Gò Vấp, phường 14, Quận Gò Vấp, TpHCM tên thật là Huýnh Kính, quê ở xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Từ nhỏ ông đã ăn chay trường và có mong ước được “lang bạt” khắp nơi với ý nghĩ “trời cao, đất rộng, mà mình thì thật nhỏ bé, sao không đi cho hết?”. Vậy là năm lên 14 tuổi, ông vào miền Nam một thời gian dài rồi đi bộ đội ở Campuchia. Cũng vì những năm tại Campuchia, chứng kiến nỗi khổ của nhiều người, 4 năm sau ông quyết định xuất gia rồi đi học khoa Ngữ văn trường đại học Tổng Hợp nay là trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại Học Quốc Gia TP.HCM).

Sau nhiều năm tu hành ở nhiều nơi, năm 1995,ông mua một mảnh đất bên bờ kênh Tham Lương ở quận Gò Vấp rồi dựng lên một ngôi chùa bằng tre lá và đặt tên là chùa Lá để hành đạo tại đó. Thầy Thích Nhuận Tâm nhớ lại:”Thời đó, vùng đất khu này còn hoang sơ, hẻo lánh, tập trung nhiều người dân lao động nghèo. Đặc biệt, cuộc sống khó khăn nên nhiều con em họ không có điều kiện đến trường. Tôi liền mở lớp dạy chữ miễn phí và vận động mọi người cho con em tới học”.

Trước tấm chân tình nhiệt thành của vị tu hành, những hộ dân sống ở vực này đã đưa con mình tới học chữ. Nhưng ngôi chùa thì quá chật nên không đủ chỗ, trong khi học sinh ngày một đông. Vì thế, thầy Thích Nhuận Tâm quyết định đi vận động các nhà hảo tâm để mua mảnh đất nhỏ trước chùa về dựng lên ngôi nhà cấp bốn tạm bợ làm phòng học. Đây cũng là tiền đề để hòa thượng mở trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí về sau này.

Thầy Thích Nhuận Tâm chia sẻ: “Năm 2009, thấy tôi hay làm từ thiện, một Mạnh Thường Quân đã cúng dường một số tiền với mong muốn tôi sẽ xây dựng một nhà tình thương để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Tuy nhiên, tôi thấy việc làm này đã nhiều chùa và cơ sở xã hội làm rồi. Trong khi đó, tôi là một người từng học ngoại ngữ, tôi thấy rằng, trong thời buổi hội nhập này, việc sử dụng ngoại ngữ là vô cùng cần thiết, hữu ích. Nếu các em sinh viên sau khi ra trường có vốn kiến thức chuyên môn cộng với khả năng ngoại ngữ tốt thì sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho xã hội. Nhưng có một thực tế là nhiều học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Để có tiền đi học ngoại ngữ, với các em là khó thực hiện. Do đó tôi đã nghĩ ra việc mở những lớp học ngoại ngữ miễn phí cho các em”.

Để có được trung tâm ngoại ngữ miễn phí, ngoài việc kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp để xây dựng thêm nhiều lớp học, thầy Thích Nhuận Tâm còn lặn lội tới các trường đại học ở Sài Gòn, trình bày tâm huyết của mình để thỉnh mời các giảng viên ngoại ngữ tới giúp cho lớp học ở chùa Lá. Lúc đầu chỉ có một khóa Tiếng Anh với 30 sinh viên nghèo theo học thì nay trung tâm ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá đã có 80 lớp học, dạy 6 thứ tiếng gồm: Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Đức, Pháp, với khoảng hơn 2000 học viên theo học mỗi ngày. Các học viên tham gia học ngoại ngữ ở đây đến từ khắp nơi và đủ các độ tuổi từ bậc tiểu học tới những người già 60-70 tuổi, nhưng chủ yếu là sinh viên. Thông thường, cứ mỗi lớp học khoảng 2 giờ mỗi ngày, cứ thế các lớp học kế tiếp nhau từ khoảng 7h sáng tới 22h đêm.

Giúp đỡ người nghèo ngay cả khi mình còn nghèo

Hiện ngoài các giảng viên là người Việt Nam, nhiều người nước ngoài là thành viên của các tổ chức xã hội đã tìm tới chùa xin làm giảng viên dạy ngoại ngữ miễn phí. Thông thường, các giảng viên người nước ngoài này tham gia giảng dạy trong thời gian khoảng 1 khóa học (3 tháng) sau đó họ về nước và những người khác lại sang thay thế. Tuy nhiên, cũng có người thuê phòng trọ gần chùa để giảng dạy lâu dài. Hiện trung tâm có tới hơn 10 giảng viên đến từ nhiều nước trên thế giới.

Với số lượng lớp nhiều như hiện nay, sư thầy không có đủ số giảng viên dạy miễn phí mà một số vẫn phải trả phí. “Trong số 80 lớp của trung tâm thì có 40 lớp là giảng viên dạy miễn phí. Còn lại khoảng 40 lớp thì tôi phải trả lương cho các giảng viên. Mỗi tháng khoảng 1-1.5 triệu đồng để họ có tiền xăng xe đi lại. Ngoài ra, đối với một số giảng viên nước ngoài thì tôi phải thuê nhà trọ cho họ và lo cơm nước cho họ. Sau khi kết thúc mỗi khóa học, nhà chùa lại tổ chức cho các giảng viên và một số học viên đi du lịch để tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.”

Theo Thượng Tọa Thích Nhuận Tâm, kinh phí hoạt động của trung tâm ngoại ngữ chùa Lá do các Phật tử, thân hữu, các Mạnh Thường Quân đóng góp. Ngoài ra, thầy Thích Nhuận Tâm còn sưu tầm được rất nhiều đá phong thủy quý, đấu giá từ thiện cùng với tranh thư pháp của mình để lấy thêm kinh phí trả lương cho các giảng viên.

Theo thầy Nhuận Tâm, tuy là một trung tâm ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên nghèo, nhưng quy chế của chùa khá nghiêm ngặt, như đội ngũ giảng viên của chùa đều phải là những người có đủ kiến thức và nghiệp vụ giảng dạy để duy trì lớp học, và hơn hết, với mong muốn lớp sinh viên nghèo có tương lai, có việc làm, thầy Tâm đã “sáng tạo” ra nhiều cách để khích lệ việc học bằng cách tìm học bổng cho các học viên. Đồng thời cũng có những “kỷ cương” riêng của lớp học như: Cứ học đủ 3 khóa mà không vắng buổi nào sẽ nhận được học bổng của các nhà hảo tâm được thầy đi vận động,… Khẩu hiệu của quý thầy trò chùa Lá theo đuổi là: “Biển học vô bờ, chuyên cần là bến”.

Học xong khóa cơ bản, học viên có thể thông qua trung tâm việc làm của chùa để kiếm những công việc bán thời gian, kiếm tiền trang trải cho học phí ở đại học, bớt đi gánh nặng cho gia đình ở quê. Nhưng ngược lại, nếu học viên nào vắng học từ 3 buổi trong một khóa (khóa 3 tháng) thì cho nghỉ. Học viên nào có thái độ thiếu tôn trọng, không nghiêm túc trong giờ học lập tức thầy đích thân mời ra ngoài. Học viên đến lớp không chỉ đơn thuần được học ngoại ngữ mà còn được thầy Nhuận Tâm hướng dẫn viết thư pháp, hội họa, đồng thời xen kẽ các giờ học là những buổi nói chuyện với học viên về kỹ năng sống.

Với thầy Tâm, khi giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không phải khi nào mình có điều kiện mới giúp mà ngay cả khi mình “chưa đủ ấm” vẫn phải hy sinh để giúp người, đó là nghĩa phụng sự của những con người cửa Phật.

Nhiều người đến chùa Lá vào những năm đầu mới thành lập không chỉ xót thương nghẹn lòng vì ngôi chùa còn thiếu thốn đủ thứ, ngôi chùa bằng lá “trống trước hở sau”, mưa đến thì nước dột tứ bề. Trong một lần đến chùa thắp hương, nhà thơ Bảo Trì chứng kiến một cơn mưa nặng hạt đổ xuống, mọi người trong chùa phải thi nhau lấy thau hứng nước, lấy bạt che đống gạo mì đang chuẩn bị đi cứu trợ đồng bào nghèo miền Trung. Nhìn cảnh tượng đó, nhà thơ Bảo Trì phải thốt lên: “Lá dừa chưa đủ che mưa/Mà lòng thầy đã che vừa thương đau”.

Chính bằng cái tâm, cái đức của mình, thầy Tâm đã thu phục được lòng người, nhiều Mạnh Thường Quân đã tìm đến chùa phát tâm, cúng dường ngày càng nhiều, giờ đây, hằng năm chùa Lá vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến đi từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo, người dân gặp thiên tai ở khắp mọi miền tổ quốc. Mới đây, thầy vừa tổ chức thành công một buổi đấu giá từ thiện, thu được hơn 200 triệu đồng để đem giúp đỡ đồng bào Tây Bắc bị ảnh hưởng lũ lụt.

     (trích báo Đất Việt số 60 (500) CHUYỆN ĐỜI phát hành ngày 15.8.2018)

You are here Phật pháp Phật giáo và Đời sống THƯỢNG TỌA THÍCH NHUẬN TÂM: NGƯỜI HẾT LÒNG VÌ NHỮNG PHẬN NGHÈO