• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Ghi nhận qua một chương trình từ thiện

  • PDF.

Mới tờ mờ sáng, tiếng của người dẫn đoàn ở các tỉnh vang lên, ai của đoàn X đoàn Y, đoàn K... tập trung lại, đã đánh thức tôi sau một giấc ngủ ngắn, khi vừa đến Khoa mắt của bệnh viện...

Vội vã vệ sinh cá nhân, tìm những bệnh nhân của mình xong, tôi cầm xấp hồ sơ bệnh án ngồi đợi văn phòng mở cửa là nộp sớm. Trong lúc đó, các thành viên của đoàn và tôi nghe một cuộc đối thoại:

- Cô ơi, bà đó bị cao huyết áp, rồi làm sao?

Người dẫn đoàn mau mắn trả lời

- Thuốc đây, 10.000 đồng/viên.

Tôi chưa hết ngạc nhiên, thì một trường hợp khác là phụ nữ người dân tộc thiểu số vùng cao hỏi về việc làm thủ tục.

Người dẫn đoàn nói: - 500.000 đồng/một vé.

Quang canh doi mo mat

Bệnh nhân chờ được mổ mắt của một chương trình từ thiện tại bệnh viện.

Trời bắt đầu sáng, tôi mới nhìn rõ người dẫn đoàn đó, ăn mặc như là đi du lịch, gương mặt trắng xát bởi lớp kem dày... Thì ra, người ta làm từ thiện là vậy.

Đến trưa, khi mà xét nghiệm máu rồi khám mắt xong, một số bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao và tiểu đường chưa được ổn định, cườm và mây thịt còn non, thì được đưa ra ngoài ngồi chờ đợi những bệnh nhân còn lại, phẫu thuật xong là ra về. Lúc đó, một người phụ nữ trạc 60 tuổi nói với người ngồi kế cận.

- Chị được mổ à? Tôi đi hai vợ chồng và cho đứa con theo để dẫn dắt, nhưng mà không may bác sĩ bảo chưa mổ được. Tốn mất 1.500.000 đồng, tiền tàu xe mà không được gì, buồn quá chị ạ.

Sau đó, thì một chị khác đến thêm vào câu chuyện trong khi chờ đợi.

- Tiền xe mỗi người đi bên ngoài chỉ có 200.000 đồng/một lượt, nhưng trưởng đoàn bảo lên xe lo cho ăn uống thêm 100.000 đồng nữa, thì thôi vậy mình nhờ người ta đăng ký hộ mà... Nhưng lên xe chỉ có chai nước suối thôi, đến bệnh viện ăn sáng, trưa đều miễn phí cả.

Khoảng giữa buổi trưa, có một nhóm từ thiện bên ngoài bệnh viện, xin phép bảo vệ phát thêm cơm miễn phí, vì có những người đi theo và trưởng đoàn thì không được ăn hoặc bệnh đông vượt mức sự đóng góp của nhà tài trợ suất ăn. Đại diện đoàn, đến khu chờ đợi thông báo:

- Bà con đến cổng nhận cơm từ thiện nhé.

Ngay sau đó, một vị mặc đồng phục của một cơ quan nhân đạo cấp trung ương, nhưng tôi nhìn kỹ lại trên bảng tên là của tỉnh K, mà chỉ ở cấp xã N thôi, ông ta nói lớn và gương mặt tỏ vẻ phẫn nộ...

- Tôi không cho phép bệnh nhân đoàn tỉnh K nhận cơm ngoài cổng, ai ăn thì có gì tự chịu trách nhiệm. Lỡ như bọn xấu bỏ thuốc vào thức ăn rồi sao? Ai chịu?

Thế là ai nấy đều sợ, dẫu đói cũng chờ cơm của tổ chức nào đó phát trong bệnh viện...
Thật sự đây là một việc hoài nghi không đúng, có ai mà thấy người bệnh còn nhẫn tâm đầu độc thêm không? Tôi cũng có thâm niên dẫn đoàn hơn chục năm, hầu như ai cũng muốn góp phần làm chút gì đó cho đời, chút gì đó để tích điều thiện lành, nên lần nào cũng thấy nhiều người tự phát làm thêm món hủ tíu, bánh lọt, có canh cho bệnh nhân và người nhà dễ ăn. Họ thân thiện đến mức thấy thương.

- Bà con cứ cho mọi người hay đi, tụi tui phát tới chừng nào hết thì thôi.

Những hành động đó, đáng biểu dương, đáng trân trọng thì bây giờ ngược lại, bị một kẻ mang chiếc áo tượng trưng cho nhân đạo, mà lại nghĩ xấu về hành động đẹp.

Có người mang tấm thẻ tình nguyện viên, nhưng chúng tôi thấy chỉ thu tiền xe rồi đi đâu đó, hoặc lân la cùng với văn phòng để tạo mối quan hệ nhằm lần sau sẽ được nộp danh sách sớm hơn, mặc dầu đến trễ so với các đơn vị khác.

Tôi cũng thấy, có một vài trưởng đoàn ra lệnh với bệnh nhân, khiến bệnh nhân sợ đến không dám làm trái ý bất kỳ điều gì.

Rút lại, nếu đã làm từ thiện, chúng ta nên nghĩ đến những ông bà lão nghèo khó, cả đời chưa bước ra khỏi khu vực xã nhà, chứ đừng nói đến một nơi hoàn toàn xa lạ, họ gởi gắm hết niềm tin vào người dẫn đoàn, vào y bác sĩ để xin một điều có được ánh sáng, tự sinh hoạt, không phải lệ thuộc vào con cháu. Có những người biết đi đến bệnh viện của thành phố lớn, mà trong tay không quá 50.000 đồng, vì biết trưởng đoàn đã tranh thủ sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, để họ được tiếp cận chương trình phẫu thuật miễn phí. Cảm động hơn nữa là quần áo của một số người đang mặc đã sờn vai rách gấu, đi đôi chân trần... Thì cớ gì chúng ta phải nặng lời cho mang tội thêm. Nhiệm vụ này, không phải ai giao mà là tự bản thân chúng ta gánh lấy, đồng thời có trách nhiệm chăm lo cho bệnh nhân trong suốt đợt phẫu thuật đến khi đưa về nhà, chứ không nên nhận thêm đồng tiền nào của bệnh nhân nghèo, tội cho họ lắm.

Cũng thành thật xin ai đó đọc được những dòng chữ này, kiểm điểm lại hành vi cử chỉ của mình mà sửa đổi, để việc làm từ thiện đúng với ý nghĩa của nó và mới đúng phước như lời Phật dạy, khi chăm sóc bệnh nhân vô điều kiện...

Thiện Tâm

You are here Home