• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Xin xăm, cúng sao ngày Tết – Niềm vui và nỗi buồn…

  • PDF.

Đã là người học Phật thì cần phải có chánh kiến. Phật giáo là đạo tích cực, tự mình phải nỗ lực học hỏi và tinh tấn thực hành lời Phật dạy để mang lại an vui giác ngộ giải thoát cho mình và người. Xin đừng tiêu cực, chỉ vào chùa cúng tiền rồi viết đơn xin sớ cầu xin Phật ban cho an lạc giải thoát. Chính mình phải tu sửa lấy mình như chính mình phải ăn cơm thì mình mới no.

Xin xam

Bàn xăm được bài trí tại một ngội chùa.
1. Xin xăm

Mùng 3 Tết, bạn bè rủ đi chùa xin xăm coi sao hạn đầu năm. Tôi vốn không thích những hoạt động này nhưng từ mấy ngày trước tết đến nay thường tắt nguồn điện thoại để rong ruỗi tìm hình ảnh viết bài, bạn bè trách móc: Dạo này hơi bị chảnh à nha, ăn rồi xách máy ảnh đi suốt, PV tự do chứ có phải chuyên nghiệp đâu...Không thể để mất bạn vì mãi lo công việc riêng, tôi đành chìu lòng mấy cô bạn thân từ hồi học cấp 3 đến chùa BP xin xăm.

Sau khi lễ Phật xong, viện lí do cần vài tấm hình đẹp dự thi ảnh nghệ thuật tôi dạo một vòng quanh chùa còn các bạn của tôi ai cũng trang nghiêm thành khẩn cầu mong cho mình rút được quẻ thật tốt.

Chẳng biết xăm tốt xấu thế nào mà khi trở ra, tôi thấy hai người bạn với hai trạng thái khác nhau, T.H khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc vì được xăm "thượng thượng" K.D lại thẫn thờ đến thất thần lo lắng ra mặt bởi tờ xăm "hạ hạ". Phải an ủi, giải thích nhưng với khả năng của mình, tôi cũng không sao làm cho bạn bớt đi phiền não.

Đã lâu lắm rồi, sau khi nghe băng giảng "Mê tín, chánh tín" của HT Trúc Lâm Đà Lạt, tôi không xin xăm nhân ngày tết Nguyên Đán nữa. Nhớ nhất là đoạn hòa thượng dạy: Là Phật tử thì phải thực hành theo lời Phật dạy, phải tin tưởng đức Phật là một vị đã giác ngộ, chỉ cho chúng ta những lẽ thật trong cuộc đời để ứng dụng tu, ứng dụng hành. Đi chùa là để tu học theo Phật chứ không phải để cầu xin.

Tuy hiểu Phật Pháp đôi chút mà cũng bất lực với những người bạn này của tôi. Vì họ mê tín lắm mặc dù là dân trí thức, gia đình có theo Phật. Giải thích một hồi K.D đuối lí nên cải ngược "do cậu có tu nên hóa giải" được.

Vốn dĩ khổ vì không hiểu Phật pháp, vào chùa xin xăm khổ lại chồng lên khổ.

Đấy! Nếu đã hiểu do mình có tu thì nghiệp chuyển, thì sợ gì tờ xăm "hạ hạ" mà phải lo lắng đến phát sốt. Nghe đến đây nhỏ bạn cười toe toét. Ừ nhỉ! Tớ biết rồi, người đi chùa nhiều có khác, hôm nào không có tiết dạy, tớ theo cậu đi chùa để tu học theo Phật.

Trước mắt là tí nữa về nhà, tớ sẽ gửi biếu tặng các bạn mỗi người một CD "Mê tín, chánh tin". Đồng ý!

2. Cúng sao giải hạn

Sang chùa NH, gặp nhóm học trò cũ hiện là sinh viên. Chào hỏi, chúc Tết xong nhưng không ai chịu ra về bởi còn chờ ghi tên cúng sao đầu năm.

X.L đi cùng với bố mẹ, cả nhà lớn nhỏ đều ghi tên cúng sao đầu năm riêng em năm nay bị sao Kế Đô xấu lắm, phải cúng nhiều ngày hơn, mà em còn phải vào Sài Gòn lại. Nghe em tâm sự mà thương quá đỗi. Thật là tội nghiệp cho cô sinh viên Đại học Cảnh sát Nhân Dân D23 của tôi.

Năm cũ qua đi, một năm mới lại đến cùng những ước vọng của mọi người về cuộc sống sung túc và yên bình. Trong thời khắc quan trọng của ngày đầu năm, hẳn nhiên mỗi người càng mong muốn được chư Phật và Bồ-tát độ trì cho mình và mọi người được sống lâu, sắc thân tươi đẹp, được hưởng phước lành từ ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Phật. Theo quan niệm của nhà Phật, ý nghĩa của lễ Cầu an là nhằm mục đích sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh tật, tai họa và nghiệp báo, để được thân tâm an lạc, phước huệ trang nghiêm, đạo tâm kiên cố, Bồ đề tâm tăng trưởng. Với ý nghĩa ấy, trong những ngày đầu năm mới, mỗi người con Phật sẽ lắng lòng nhìn nhận lỗi lầm từ những tham - sân - si của tâm và nguyện sẽ sám hối, chừa bỏ, cầu cho một năm mới hạnh phúc, an vui. Vì thế, đi chùa lễ Phật và dự lễ cầu an đầu năm đã trở thành một tập quán tâm linh của người Việt Nam. Thuận theo tinh thần của tập quán đó, hằng năm, vào ngày rằm tháng Giêng ÂL các chùa đều tổ chức lễ cầu an đầu năm.


Những quẻ xăm được...sản xuất đem vào chùa gieo rắc mê tín.

Có chùa phải đọc cả 1.000 tên họ pháp danh để cúng sao giải hạn hoặc cầu này nọ. Nhiều khi quý thầy cô trẻ đọc quý vị không chịu, chỉ thích Hòa thượng hoặc Sư bà đọc mới "linh" thì chỉ làm khổ cho quý Ngài đã già yếu mà phải ngồi đó cả mấy tiếng để đọc tên cho quý vị, gia đình, ông bà người thân. Thậm chí nghe xong danh sách cầu an của gia đình mình xong, lạy ba lạy rồi ra về...Cuối buổi chỉ còn lại vài ba người với sư trụ trì. Cầu an mà tâm không an, tam độc không bỏ thì làm sao an cho được.

3. Lời kết

Đã là người học Phật thì cần phải có chánh kiến. Phật giáo là đạo tích cực, tự mình phải nỗ lực học hỏi và tinh tấn thực hành lời Phật dạy để mang lại an vui giác ngộ giải thoát cho mình và người. Xin đừng tiêu cực, chỉ vào chùa cúng tiền rồi viết đơn xin sớ cầu xin Phật ban cho an lạc giải thoát. Chính mình phải tu sửa lấy mình như chính mình phải ăn cơm thì mình mới no.

Mỗi một mùa xuân đến, đời người dần ngắn lại, tương lai sẽ về đâu khi vô thường đến. Phật dạy mạng sống chỉ trong hơi thở, nên mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại những giá trị hạnh phúc đích thực để xây dựng, vun trồng ngay từ lúc này. Hãy gieo trồng những hạt giống giác ngộ và tưới tẩm hằng ngày để làm tư lương cho tương lai. Đó là hạt giống của Từ - Bi – Hỷ - Xả. Để được vậy, mỗi Phật tử nên nương tựa vào Tam Bảo, quán xét nội tâm, đoạn trừ phiền não, thanh tịnh lục căn, thường nghiên cứu kinh điển, đi chùa lễ Phật, nương theo sự chỉ dạy của minh sư để con đường giải thoát không còn là ước vọng xa xôi.

Năm mới chúng ta phải tinh tấn lên, tích cực học tập và thực hành theo lời Phật dạy.

Quảng Ấn

Nguồn: http://nguoiphattu.com/phat-phap/su-kien-van-de/8466-xin-xam-cung-sao-ngay-tet-niem-vui-va-noi-buon.html

You are here Home