• Phật sự: 0902 427 222 - Phone USA: +14092179287 (Thầy Thích Nhuận Tâm)
  • Giáo vụ: 0906.721.705
  • Trụ trì: Đại đức Thích Nhuận Tâm

 

Những câu chuyện về lớp học ngoại ngữ nơi cửa Phật

  • PDF.

Lop_ngoai_ngu_14

 
 
(PL&XH) - "What are you doing? How are you?", chính là những câu tiếng Anh đều đặn vang lên mỗi đêm không phải ở một trung tâm ngoại ngữ uy tín mà từ ngôi chùa nhỏ ở TP HCM và tỉnh Thừa Thiên Huế...

"Trung tâm" ngoại ngữ miễn phí

Trong một con hẻm nằm trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCM, là ngôi chùa Lá vẫn ngày ngày vang lên tiếng đọc bài của học viên các lớp học ngoại ngữ miễn phí được tổ chức tại chùa. Đã 3 năm qua, âm thanh quen thuộc ấy trở nên thân thuộc với người dân sống quanh đây. Năm 2009, các sư thầy chùa Lá dành một phần đất của chùa để xây dựng lớp học ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên nghèo. Ban đầu trung tâm chỉ có 1 lớp dạy tiếng Anh với 30 học viên. Sau thời gian hoạt động, đến nay trung tâm có tới 22 lớp dạy tiếng Anh, Hoa, Nhật, Pháp, Đức... với hơn 700 học viên và con số ấy không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Học viên ở đây phần lớn là các sinh viên nghèo từ các tỉnh lên TP trọ học. Nhiều bạn phải đi làm thêm để có tiền trang trải ăn học, nhưng để theo học được ở các trung tâm ngoại ngữ là không thể. Từ ngày lớp học trong chùa được mở ra, nhiều sinh viên đã chuyển về thuê nhà ở gần chùa để có thể tham gia lớp học miễn phí. Nhiều sinh viên ở các quận 9, quận Thủ Đức hàng ngày cũng đi xe buýt về học.

Chùa có mặt bằng khá khiêm tốn nên diện tích dành cho lớp học cũng không nhiều, chỉ khoảng 30m2, khi học viên đăng kí quá nhiều, nhà chùa phải chia ra thành nhiều ca trong ngày để dạy. Thương học viên không có chỗ học, sư thầy trụ trì đã dọn vào ở tạm trong một căn phòng nhỏ phía sau chánh điện, nhường phòng ngủ của mình làm nơi học tập cho học viên.

Hiện tại trung tâm có 2 phòng học hoạt động liên tục từ 7h30 tới 22h hàng ngày. Vào những ngày cuối tuần, các lớp học luôn trong tình trạng quá tải, có học viên kê ghế ngồi ở trước sân để học. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đều do các thầy tự sắm dần. Các thầy xin bàn ghế dư thừa hoặc bàn ghế cũ hư hỏng từ các trường học rồi sửa lại cho học viên.

Tuy không thu phí của học viên nhưng mỗi tháng chùa phải trả cho các giảng viên từ 35- 40 triệu đồng. Số tiền ấy không nhiều so với thu nhập của hơn 10 giảng viên, nhưng với một ngôi chùa chỉ có vỏn vẹn 4 vị sư thì con số ấy là rất lớn. Để cố gắng trả lương cho giảng viên, các sư thầy phải tự xoay xở bằng cách viết thư pháp, kinh doanh đá phong thủy hoặc trích một phần từ tiền cúng của chùa. Ngoài giờ học, thầy trụ trì còn lên lớp nói chuyện với học viên, giúp học viên thư giãn sau những buổi học. Đó là các câu chuyện vui nhưng thấm nhuần triết lý, mang đậm tính nhân văn sâu sắc và là kinh nghiệm sống quý báu của các sư thầy ở đây.

Lop_ngoai_ngu_04

Sư thầy Thích Nhuận Tâm, người sáng lập Trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí ngay tại chùa Lá.

Lớp học nơi cửa Phật

Cũng giống như lớp học của sư thầy Thích Nhuận Tâm, lớp học tiếng Anh tình thương do sư thầy Thích Chơn Hữu, trụ trì chùa Định Quang, tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được mở ra với mong ước "bọn trẻ nghèo vùng quê này mai kia lớn lên có chút vốn ngoại ngữ lận lưng vào đời". Thầy Hữu tâm sự, ở vùng quê nghèo này đa phần các em chỉ học đến lớp 9-10 là bỏ học theo bạn bè vào Nam. Có em theo bạn bè xấu tụ tập nhậu nhẹt rồi hư hỏng, số đông do học ngoại ngữ kém nên chán nản. Suy nghĩ mãi, thầy quyết định mở lớp học tình thương. Lớp học mở năm 2008, ban đầu chỉ 10 em. Hơn 1 tháng sau, lớp còn... 5 em.

Lop_ngoai_ngu_13

Sư thầy Thích Chơn Hữu bên các em học sinh đang theo học tại chùa Định Quang. Ảnh: TL

Cô giáo được thầy thuê về dạy cũng muốn "dứt áo ra đi". Thầy Hữu năn nỉ: "Cô ở lại dạy giúp, 10 ngày nữa mà không có học sinh nào vào học thì cô thôi cũng được". Nể thầy, cô giáo đành thuận theo. Còn thầy Hữu ngày ngày đến các gia đình vận động phụ huynh cho con em theo học.

Hơn một tháng sau, lớp học bắt đầu đông dần. Tiếng lành đồn xa, nhiều học trò trong xã, trong huyện cũng đăng ký tham gia lớp "xóa mù ngoại ngữ". Mục tiêu ban đầu chỉ là phụ đạo cho những học sinh nghèo, nhưng dần lớp học không còn phân biệt giàu nghèo nữa.

Nhiều lúc thầy Hữu vẫn hồi tưởng về quá khứ thăng trầm của mình. Tuổi thơ của thầy cũng như những đứa trẻ bỏ học giữa chừng ở miền quê này. Gia đình nghèo khổ, cha mẹ thầy di cư lên Đà Lạt. "Học đến lớp 9 mình thay đổi tính tình, đàn đúm theo đám bạn ăn chơi, trộm cướp, đánh nhau và thành đại ca giang hồ có tiếng ở Tây Nguyên.

Năm 1999, tỉnh dậy sau trận ốm thập tử nhất sinh, mình đưa ra quyết định làm mọi người ngỡ ngàng - vào chùa đi tu!", thầy Hữu chia sẻ. Năm 2005, sư thầy Thích Chơn Hữu được phân về làm trụ trì chùa Định Quang, lúc đó chỉ là một đống đổ nát, vừa tu hành, vừa xây lại chùa.

Một lần nghe phụ huynh phàn nàn, chẳng có trung tâm ngoại ngữ nào gần để con em theo học, thầy Hữu về bàn với đệ tử lấy phòng ăn làm phòng học và thuê giáo viên dạy miễn phí cho học sinh. Đến nay, số lớp tiếng Anh miễn phí ở chùa Định Quang đã tăng lên 8 lớp. Ngoài trụ trì chùa Định Quang, thầy Hữu còn có một niềm đam mê khác là chụp ảnh nghệ thuật. Thầy đã dùng toàn bộ số tiền bán ảnh để trả tiền lương cho giáo viên tiếng Anh tại chùa. "Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở thêm lớp Tin học, Toán và Ngữ văn, đặc biệt sẽ mở thêm lớp ôn thi tốt nghiệp và ĐH.

Riêng môn Tin học các em sẽ được dạy đến khi nào biết sử dụng máy tính thành thạo", thầy nói. Vậy là ở những ngôi chùa như chùa Lá, chùa Định Quang,... không chỉ có vẻ đẹp thanh tịnh nơi cửa Phật mà ở đó còn là nơi đang ươm mầm tri thức cho thế hệ trẻ, để cùng đắp xây một xã hội phát triển trong tương lai...

Thành Thân (báo Pháp luật & Xã hội)


Nguồn: http://www.baomoi.com/Nhung-cau-chuyen-ve-lop-hoc-ngoai-ngu-noi-cua-Phat/59/8732791.epi

You are here Home